Sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con tại huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Sùng A Bình tạm gác lại việc học để đi làm phụ giúp bố mẹ. Rời quê xuống Hà Nội, sau đó vào TPHCM và phải trải qua rất nhiều công việc để kiếm sống, Bình thừa nhận rằng, mọi thứ có được ngày hôm nay một phần nhờ sự nỗ lực của bản thân nhưng cũng có yếu tố may mắn khi anh được nhà hảo tâm giúp đỡ để quay lại trường học. Kể từ đó, chàng trai người H’Mông này vừa học ngành quản lý văn hóa, chuyên ngành Đạo diễn sự kiện văn hóa nghệ thuật, trường Đại học Văn hóa TPHCM, vừa làm thêm công việc thiết kế vẽ trên áo dài. Không ngờ công việc làm bán thời gian đó sau này lại mang đến cho anh cơ duyên trở thành nhà thiết kế.
Quá trình làm việc giúp Sùng A Bình nhanh chóng nhận thấy những sản phẩm thời trang có họa tiết thêu tay thủ công được nhiều du khách Việt Nam và nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt là những hoa văn thể hiện trên vải của người Mông. Chàng trai người Mông này nảy ra ý tưởng gắn kết một số người dân tộc Mông ở TPHCM để tạo ra những sản phẩm thời trang vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa lưu giữ, quảng bá tinh hoa thổ cẩm của dân tộc mình.
Từ một cửa hàng nhỏ, Sùng A Bình bắt đầu truyền đạt kỹ năng may mặc cho những công nhân người Mông có năng khiếu dệt và thêu hoa văn truyền thống. Ở vai trò quản lý, Bình chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng sản phẩm, marketing, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên bằng cách thuê giáo viên hướng dẫn họ may quần áo, kết hợp thổ cẩm thêu tay. Tháng 9/2016, Công ty TNHH Hmong Tagkis ra đời, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 4 lao động, trong đó 3 người dân tộc Mông. Sùng A Bình trở thành nhà thiết kế chính của thương hiệu với nghệ danh Sa Bình.
Công ty của Sa Bình hướng đến những sản phẩm thời trang thổ cẩm bằng chất liệu vải truyền thống như vải lanh nhuộm chàm, vải lanh vẽ sáp ong, vải lanh nhuộm màu tự nhiên và vải lanh thêu hoa văn thổ cẩm bằng tay. Một số sản phẩm của Hmong Tagkis còn kết hợp hội họa, cườm, thêu đá.
Kiên định với phương châm đặt ra, những thiết kế của Sa Bình luôn thể hiện sự kết hợp tinh tế giữa phong cách truyền thống và xu hướng hiện đại. Nhờ vậy, các sản phẩm thời trang thổ cẩm của thương hiệu Hmong Tagkis được nhiều người ưa chuộng. Từ năm 2019, Sa Bình đã có buổi trình diễn bộ sưu tập váy cưới trong chương trình "H’Mong Bangkok Festival", được tổ chức tại Thái Lan. Chàng trai người Mông này cũng tích cực đưa sản phẩm của mình tới các sự kiện, chương trình về thời trang, các hoạt động liên quan tới cộng đồng người dân tộc thiểu số.
Sa Bình kỳ vọng sản phẩm của mình như một phương tiện quảng bá giá trị văn hóa, đặc biệt là nghề dệt truyền thống của người Mông, đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. "Trang phục truyền thống của người Mông hiện tại rất đẹp. Nếu làm quần áo truyền thống của người Mông, tôi chỉ có thể bán cho người Mông nhưng tôi lại nuôi ước mơ lớn hơn là mang văn hóa của dân tộc mình giới thiệu đến với nhiều dân tộc khác", Sa Bình khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn