Ngày 28/8, tại Hà Nội, NXB Văn học phối hợp với Ban Văn học nghệ thuật - Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức ra mắt tập thơ Viễn ca của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh. Đây là tập thơ thứ 3 của ông, sau 2 tập Chiều không tên như vết mực giữa đời và Loạn bút hành, đều do NXB Văn học ấn hành.
Nguyễn Tiến Thanh khởi nghiệp thơ từ phong trào thơ sinh viên ở các trường đại học Hà Nội cuối những năm 1980, đầu 1990. Tập thơ Viễn ca gồm 39 bài thơ được Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng 6 năm trở lại đây, thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của ông về cuộc sống, tình yêu ở tuổi trung niên. Tập thơ cũng đánh dấu bước chuyển sau hơn 30 năm làm báo sang công tác xuất bản của tác giả (hiện ông là Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam).
Chia sẻ về tập thơ của mình, Nguyễn Tiến Thanh nói: "Viễn ca là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi chỉ ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc. Trong hành trình cuộc sống, mỗi bước đi đều là sự đổi mới, thơ cũng vậy, mỗi bài thơ là sự tiếp nối của cảm xúc và liên tưởng khác nhau".
Trong buổi ra mắt tập thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: "Viễn ca có nhiều bài thơ lục bát, khiến tôi nghĩ tới hình ảnh cây trầm, lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích lũy. Thơ Tiến Thanh giống như vậy, anh đi qua cuộc đời này, những buồn vui, cảm hứng, với con mắt mở rộng để nhìn đời sống này, mang lại cho anh những trải nghiệm, tích lũy.
Vẫn là phong cách đấy, không thay đổi hình thức, vẫn rất truyền thống nhưng sự lãng mạn vẫn như tuổi thanh xuân, sự phiêu lưu vẫn như tuổi thanh xuân nhưng mỗi một ngày nó lại mang thông điệp lớn hơn bởi nó chảy trong dòng chảy tư tưởng. Chính vì thế, nhiều bạn bè khi đọc thơ anh trước kia, đón nhận tập thơ này với sự bất ngờ, sự chiêm nghiệm. Thi ca có nhiều con đường, Tiến Thanh chọn con đường đi ngầm trong đời sống, đến ngày hiển lộ ra. Viễn ca vẫn chứa đựng sự run rẩy của thơ ca song đầy tính triết lý của đời sống này".
Nhà phê bình văn học Hoài Nam - Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương - cho rằng: "Trong tập thơ Viễn ca, cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng trước đây của Nguyễn Tiến Thanh đã bớt đi nhưng bù lại thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh. Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình. Và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng".
PGS.TS Phùng Gia Thế thì nhận định: "Thực tiễn cho thấy, mỗi hình thái, thế dạng thơ có khả năng thu hút và làm sinh thành một kiểu bạn đọc riêng. Thơ Nguyễn Tiến Thanh cũng vậy. Đó trước hết là kiểu thơ dành cho những người lãng mạn, yêu kỷ niệm, yêu những ngày tháng cũ".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn