Chứng bệnh rối loạn phân ly khiến trẻ hung dữ nguy hiểm thế nào?

22:53 | 23/12/2017;
Trẻ bị rối loạn phân ly có biểu hiện hung dữ, co giật, tê liệt chân tay, ngất liên tục. Các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt… cũng là yếu tố gây ra chứng bệnh nguy hiểm này.
Mới đây, 9 học sinh của điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) bất ngờ trở nên hung dữ, liên tục bị ngất, suy kiệt sức khỏe… khiến giáo viên, các bậc phụ huynh và chính quyền địa phương lo lắng. Sau khi thăm khám, Đoàn chuyên gia của Bộ Y tế xác định các bé trên mắc chứng rối loạn phân ly tập thể.

Theo bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần (BV Nhi TƯ), chứng rối loạn phân ly là một nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp với tỷ lệ 0,3 – 0,5% dân số.

Các bác sĩ BV Nhi TƯ thăm khám cho các e học sinh điểm trường tiểu học Nà Bản

Đặc trưng của rối loạn phân ly là những triệu chứng gợi ý bệnh lý của một cơ quan, bộ phận nào đó trong cơ thể nhưng người ta không tìm thấy được nguyên nhân bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và xét nghiệm. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được. Những sang chấn này thường gây những cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề…

Khi bị chứng rối loạn phân ly, bệnh nhân có biểu hiện rất đa dạng. Theo đó, có bệnh nhân bị rối loạn vận động như lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm. Cũng có bệnh nhân bị rối loạn cảm giác với các biểu hiện thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay… nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau. Hoặc có bệnh nhân bị kích động cảm xúc: Cười, khóc, gào hét, cảm xúc hỗn độn, nói năng lộn xộn, sợ hãi vô cớ… Thậm chí, một số trường hợp còn bị ngất…

”Trong trường hợp phân ly tập thể, các triệu chứng thường gặp là ngất, rối loạn vận động, co giật, cơn kích động cảm xúc”, bác sĩ Hương nói.

Điểm trường Nà Bản

Thông thường, các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột thành từng cơn. Rối loạn phân ly có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn. Đôi khi, các sang chấn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên cũng có thể là yếu tố thuận lợi cho chứng phân ly phát triển, ví như như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè không tốt…

Để phòng bệnh, gia đình cần rèn luyện tính cách trẻ em ngay từ khi còn nhỏ. Phụ huynh nên hướng dẫn trẻ biết thương yêu, chia sẻ, đương đầu với khó khăn; đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nghỉ ngơi hợp lý, giảm sức ép từ việc học tập.

Gia đình, nhà trường và xã hội tăng cường giáo dục, quản lý con em mình, bồi dưỡng nhân cách, lối sống tốt đẹp, lành mạnh, tính đoàn kết, thân ái, tính tập thể, biết khắc phục khó khăn tránh các stress tâm lí trong sinh hoạt, học tập và công tác. Đồng thời, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa như: Ca, múa, nhạc, đi dã ngoại, tập thể dục, chơi các môn thể thao và lao động tập thể. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn