Chuyện ít biết về nữ doanh nhân hiến cả gia sản cho cách mạng

08:05 | 12/11/2017;
Cuộc đời của giai nhân Hà Thành này có một số phận kỳ lạ. Sự kỳ lạ đó nằm ở trong tấm lòng của bà, một tấm lòng nhân hậu, luôn hướng tới cái thiện, và những nghĩa cử cao đẹp.

Nữ doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 ở 21 Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội, là con thứ 9 của cụ Hoàng Đạo Phương, một thương gia, một nhà nho uyên bác từng tham gia trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Sinh ra trong một gia đình giàu có bậc nhất Hà Thành ngày đó nhưng cô tiểu thư con nhà giàu này lại không sống trong những gấm lụa là. Sớm bộc lộ những tư chất thông minh hơn người nên bà được cha gửi gắm nhiều hy vọng. Bà vẫn nhớ, trước khi cha mất ông đã trăn trối lại những lời gan ruột: "Cha già rồi, cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện hãy làm thay cha…".

Bà Hoàng Thị Minh Hồ

Từ đời ông cụ tổ thứ 4 của gia đình bà Hồ đã định cư ở đất Thăng Long. Ngày còn nhỏ, bà Hồ trốn cha đi học. (Ông là nhà Nho, ông không cho con theo Tây học). Được 3 ngày bà đi bộ từ Hàng Đào sang trường Hàng Cót học chữ Quốc ngữ, chưa học hết 24 chữ cái bà đã bị cha phát hiện và buộc phải bỏ học về nhà học chữ Nho do chính ông dạy. Bốn năm, bà học thuộc làu làu Tam Tự Kinh, Minh Tâm…, đọc thông viết thạo. Cụ Hoàng Đạo Phương biết tư chất thông minh của con gái nên dành cho bà rất nhiều ưu ái. 13 tuổi, cô bé Minh Hồ đã thay gia đình quán xuyến cả sạp vải lớn nhất phố Hàng Đào ngày đó.

Bà Hoàng Thị Minh Hồ đã có một cuộc đời đúng theo kiểu mẫu chuẩn mực của những cô gái Hà Nội xưa. 15 tuổi, bà đã vấn khăn, nhuộm răng đen. Ngày đó, bà Minh Hồ với gương mặt thanh tú, nước da trắng, mũi cao, được xếp vào hàng những giai nhân. Một khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu mà chắc hẳn nếu bất cứ ai khi nhìn vào đó cũng cảm thấy được ấm lòng.

Xinh đẹp, nền nã, bà Hồ có đến hàng chục đám hỏi, toàn con nhà bề thế, gia giáo. Nhưng dù là một phụ nữ mạnh mẽ, sớm bươn chải với cuộc sống thì bà vẫn nương mình theo những khuôn phép xưa.

Năm 18 tuổi, bà Hoàng Thị Minh Hồ kết hôn với ông Trịnh Văn Bô, được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô - bà Hoàng Thị Minh Hồ.

Ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: "Tiêu chí chọn con rể của ông bà ngoại tôi rất khắt khe. Ông bà muốn con rể có đức, có tài và môn đăng hộ đối. Cha tôi, Trịnh Văn Bô, là quý tử của họ Trịnh giàu có, sở hữu thương hiệu Phúc Lợi nổi tiếng. Nhà cha cũng ở ngay Hàng Ngang, cách nhà mẹ tôi ở Hàng Đào chỉ hơn 100m. Bố mẹ 2 bên cũng là bạn tâm giao từ lâu. Năm 1932, mẹ lên xe hoa về nhà chồng khi tròn 18 tuổi".

Ông Chính cho biết thêm: "Mẹ tôi kể lại, tuổi cập kê bà cũng phải lòng một chàng trai khác nhưng khi cha mẹ mối lái, sắp xếp để nên duyên với cha tôi, bà vẫn lặng lẽ gật đầu. Một cuộc hôn nhân sắp đặt vậy mà suốt những năm tháng họ chung sống, chưa một lần tôi thấy họ nặng lời với nhau. Đàn ông xưa năm thê bảy thiếp, cha tôi vừa đẹp trai, tri thức lại sinh ra trong gia đình giàu có nên không ít bóng hồng thầm thương trộm nhớ. Nhưng bấy nhiêu năm bên cạnh mẹ, có với nhau 7 người con, chưa một lần cha tôi làm gì có lỗi với bà".

Cuộc đời của giai nhân Hà Thành này có một số phận kỳ lạ. Sự kỳ lạ đó nằm ở trong tấm lòng của bà, một tấm lòng nhân hậu, luôn hướng tới cái thiện, và những nghĩa cử cao đẹp. Làm vợ một nhà tư sản, bà Hồ vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sáng của mình.

Trong bức chân dung vẽ bà mẹ yêu nước Hoàng Thị Minh Hồ, họa sĩ Lê Lam đã dành một phần rất trân trọng bên phải bức tranh để viết: "Năm 1945-1946, mẹ đã cùng chồng là Trịnh Văn Bô, và gia đình con cái đã chăm sóc và nuôi nấng Bác Hồ soạn thảo ra Tuyên ngôn độc lập truyền ra trong nước và thế giới; nuôi nấng và chăm sóc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ăn ở và làm việc tại nhà mình, 48 Hàng Ngang - Hà Nội, giúp cho công quỹ rất nhiều tiền của - 5147 lạng vàng trong thế nước bị thù trong giặc ngoài, lửa bỏng, dầu sôi, ngàn cân treo sợi tóc… Bác Hồ và nhiều nhà lãnh đạo đã gọi cụ là ân nhân và cứu tinh của cách mạng và dân tộc".


Chân dung bà Hoàng Thị Minh Hồ do họa sĩ Lê Lam vẽ.

Có lẽ những dòng chữ cảm động của họa sĩ Lê Lam đã nói đủ những điều vĩ đại nhất trong cuộc đời người phụ nữ kỳ lạ này. Một cuộc đời đã không đóng kín trong gia đình bé nhỏ của mình, trong bốn bức tường của ngăn cách như những thiếu nữ Hà Nội xưa, mà đã đi theo tiếng gọi của cách mạng, bằng tấm lòng thiện của chính mình.

20 tuổi, vợ chồng bà Minh Hồ đã có một cửa hàng tơ lụa riêng và kinh doanh phát đạt nhờ tiếng thơm của gia đình. Vợ chồng bà trở nên giàu có. Nhưng khi cuộc sống sung túc đủ đầy, bà Minh Hồ không quên lời cha dặn năm xưa, tích cực tham gia làm việc thiện, giúp đỡ những người nghèo khó. Bà mang gạo cứu đói, góp vải may quần áo cho người dân nhiều tỉnh thành.

Là phận nữ nhi nhưng bà Minh Hồ không cam phận ngồi ở nhà lo nội trợ, cuộc sống sớm va chạm với thương trường và tính cách mạnh mẽ của một người phụ nữ độc lập và biết làm chủ cuộc sống của mình đã giúp bà Minh Hồ nhiệt tình tham gia vào phong trào của cách mạng, đi rải truyền đơn và đặc biệt là những ủng hộ bằng vật chất cho cách mạng trong những giai đoạn đầu đầy cam go và gian khó.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô (ảnh trên), gia đình và các hoạt động thời trẻ (Ảnh chụp lại tại triển lãm 48 Hàng Ngang).

Chuẩn bị cho lễ ra mắt chính quyền mới, ông bà đã thành lập Quỹ Độc lập, đứng ra vận động các thương gia, nhà tư sản, nhân dân góp tiền bạc ủng hộ chính quyền. Những tấm áo đầu tiên của cán bộ Việt Minh khi từ rừng về ra mắt chính quyền mới cũng được chính gia đình bà Hồ may. Và trong Tuần lễ vàng do Bác Hồ phát động, bà Hồ đã không ngần ngại ủng hộ những lượng vàng cuối cùng còn lại trong gia sản của mình…

9 năm trường kỳ kháng chiến, bà theo chồng, từ bỏ cuộc sống nhung lụa, giàu sang, lên núi rừng Việt Bắc, ăn cơm vắt với măng củ… Cuộc đời bà, cuộc đời của một người đẹp Hà Thành xưa đã đi qua những biến động của thời cuộc nhưng cho đến cuối đời, bà vẫn sống giản dị và lặng lẽ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn