Chị Hoa vốn hiếm muộn nên đến năm 30 tuổi, chị mới sinh được cháu Trang. Sau đó, chồng chị lại bị bệnh tiểu đường, cô con gái chăm ngoan, học giỏi, là tất cả hy vọng của chị. Khi Trang nhập viện được 5 ngày thì kỳ thi học sinh giỏi diễn ra. Sau khi được truyền máu, Trang đã cố gắng đến phòng thi. Và cô bé đã đứng thứ 2 trong kỳ thi học sinh giỏi môn Toán của toàn huyện. Sau khi Trang vượt qua 12 đợt truyền hóa chất, chị Hoa mong muốn con được ghép tế bào gốc. Nhưng cô bé không có anh chị em ruột nên các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tư vấn Trang nên ghép bằng nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng từ Ngân hàng Tế bào gốc của Viện.
Với sự quyết tâm của gia đình và các y, bác sĩ, Trang bước vào "cuộc chiến" đầy khó khăn kéo dài 2 tháng trong phòng ghép. Dù phải đối mặt với những đợt truyền hóa chất liều cao, cơ thể gần như không còn sức sống, cô bé vẫn kiên cường, nụ cười vẫn nở trên môi. Sau khi ghép tế bào gốc thành công, do hệ miễn dịch vẫn còn yếu và do đại dịch Covid-19 nên Trang phải ở nhà gần một năm, tránh tiếp xúc để theo dõi và phục hồi sức khỏe. Không được đi học và gặp bạn bè nhưng Trang không muốn thời gian trôi đi một cách vô nghĩa. Em lên mạng học đan móc các sản phẩm từ len. Trong gần một năm, Trang miệt mài đan hàng trăm chiếc mũ, chiếc khăn dành tặng các em nhỏ và các cô, bác đang điều trị ung thư máu. Trang mong rằng, chiếc mũ len ấy không chỉ giữ ấm mái đầu không còn tóc mà còn giúp người bệnh vơi đi nỗi mặc cảm và tránh ánh mắt tò mò của những người xung quanh.
Khi dịch Covid-19 lan rộng, biết các y, bác sĩ vất vả chống dịch, Trang lại móc hàng trăm chiếc tai giả bằng len để giúp các y, bác sĩ bớt đau tai khi phải đeo khẩu trang nhiều giờ liền. Với Trang và mẹ, những chiếc tai giả như một món quà tri ân các thầy thuốc của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, những người đã giúp hai mẹ con tìm thấy ánh sáng sau quãng thời gian tưởng như không còn hy vọng.
Cảm động khi đón nhận món quà của "chiến binh" nhỏ tuổi, bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chia sẻ: "Là một bác sĩ, tôi thật sự hạnh phúc khi chứng kiến bệnh nhân của mình hồi sinh và có một cuộc sống ý nghĩa".
Ở tuổi 15, Trang đã đủ hiểu biết để nhận thức về sự tàn phá của ung thư nhưng niềm tin và khát khao sống ý nghĩa chưa bao giờ dập tắt trong cô gái bé nhỏ. Em hiểu rằng "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình", dù cho bản thân cũng phải chịu đựng những cơn đau trong quá trình điều trị, Trang vẫn không ngừng tìm kiếm những giá trị tốt đẹp của bản thân. Giờ đây, khi sức khỏe ổn định, Trang đã quay lại trường học và viết tiếp ước mơ trên những trang giấy học trò.
Với nhiều người bệnh như Thái Huyền Trang, ung thư không phải là dấu chấm hết mà là dấu mốc giúp họ biết được mình thật sự muốn gì và nên làm gì. Có lẽ vì từng đối mặt với tử thần, từng vượt qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, họ sẽ luôn trân trọng từng ngày đang sống và biến mỗi phút giây trôi qua trở nên ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn