Cô giáo trẻ gắn bó với giáo dục vùng cao vì mỗi ngày bên học trò là một ngày vui

07:20 | 20/11/2023;
“Làm giáo viên mầm non rất vất vả, nhưng bên cạnh đó là những niềm vui tuyệt vời”, tình yêu với nghề là động lực để cô giáo trẻ Vì Thị Kiều Trang đến và gắn bó với những em nhỏ thuộc nhiều dân tộc khác nhau.

"Cô giáo xinh quá", "cô giáo như hot girl, cô ở đâu để em đi học", "lũ nhóc đáng yêu quá, cô giáo thì cũng quá là đáng yêu",... là bình luận của các cư dân mạng khi ngắm nhìn hình ảnh một cô giáo mầm non được bạn bè, người thân đưa lên mạng xã hội.

Cô giáo ấy là Vì Thị Kiều Trang, hiện đang là giáo viên mầm non tại Trường mầm non Anh Đào (xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Cô giáo Trang phụ trách lớp 3-4-5 tuổi tại điểm trường bản Nà Luồng. Đây là các lớp mẫu giáo ghép, các con ở nhiều lứa tuổi học chung một lớp.

Sinh năm 2001, giống như nhiều bạn trẻ khác, cô giáo Trang cũng có những hình ảnh "gen Z" như tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, tham gia hoạt động Đoàn khi còn học sư phạm mầm non, hay vài hình ảnh đời thường như đi uống trà sữa, "check in" vài địa điểm phong cảnh đẹp. Kiều Trang có khuôn mặt sáng, nụ cười tươi, như một "hot girl" thứ thiệt.

Nhiều người thân đã nói với Kiều Trang rằng "cứ ở gần nhà, chọn việc gì đó nhàn hơn để làm, đi làm cô giáo mầm non ở bản xa thế làm gì cho vất vả". Nhưng Trang vẫn chọn học sư phạm và chọn đến với những học trò nhỏ.

Cô giáo trẻ người dân tộc Lào hết lòng với đàn em thơ- Ảnh 1.
Cô giáo trẻ người dân tộc Lào hết lòng với đàn em thơ- Ảnh 2.

Vì Thị Kiều Trang - cô giáo người dân tộc Lào 

"Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước, hôm nay mẹ lên nương, một mình em tới lớp… Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây, cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay…", lời bài hát quen thuộc này rất đúng với lớp học của cô giáo Vì Thị Kiều Trang.

Cô giáo Trang là người dân tộc Lào, nhà ở huyện Sốp Cộp. Nhận công tác ở huyện Sông Mã, Trang hiện ở nhờ nhà một người chị gái để hàng ngày đi dạy. Tuy chỉ cách nhà khoảng 45km nhưng cô giáo cũng ít về thăm nhà do không thuận tiện đi lại.

Hàng ngày, cô giáo Trang phải dậy từ sớm, chuẩn bị cơm rồi lên đường vào điểm trường. Buổi trưa, cô giáo và trẻ cùng ăn trưa tại trường. Công việc một ngày kết thúc, bố mẹ đưa đón con xong thì khoảng 7-8h tối cô giáo mới về đến nhà. 

Ngày nào, cô giáo Trang cũng ăn tối muộn rồi lại chuẩn bị giáo án cho việc giảng dạy hôm sau. Mùa đông trên vùng cao rất lạnh, khi con gà trong bản cất tiếng gáy đầu tiên là cô giáo trẻ đã dậy để đến trường.

Xã Chiềng Sơ của huyện Sông Mã là xã miền núi, nơi sinh sống của nhiều các dân tộc anh em, bao gồm người Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun, Khơ Mú và Kháng. Kiều Trang cho biết: "Công việc của một giáo viên mầm non đúng là khá vất vả. Lúc tôi còn đi học, các thầy cô giáo và mọi người cũng đã nói đến điều này, nhưng ra trường đi làm mới thấy rằng đúng là các cô, các chị - những người giáo viên mầm non vất vả thật, hơn cả những gì một người trẻ như tôi có thể tưởng tượng".

Cô giáo trẻ người dân tộc Lào hết lòng với đàn em thơ- Ảnh 3.

Cô giáo Kiều Trang cùng học trò tại điểm trường mầm non bản Nà Luồng

"Tôi là người dân tộc Lào, ở Sốp Cộp, còn ở đây, các con là người Xinh Mun, người Thái, Mông, các dân tộc khác nhau. Những ngày đầu đi dạy, cô trò không hiểu tiếng của nhau, giao tiếp khá khó khăn. Cô phải chủ động học để hiểu ý, hiểu những gì các con muốn nói, muốn diễn đạt. Ở đây nhiều em là con em các gia đình khó khăn, nên thiệt thòi hơn, và lúc ban đầu các em bắt nhịp chậm, khó học theo trong khi chương trình giáo dục mầm non hiện tại có nhiều đổi mới. Một điều khác nữa và rất quan trọng là khi vào tiểu học, các con sẽ học bằng tiếng Kinh, học chữ, rồi tập đọc, ngữ văn. Các cô giáo mầm non ở những nơi vùng cao, nhiều con em dân tộc thiểu số sẽ phải kiêm thêm việc dạy tiếng Kinh chuẩn cho các con, để chuẩn bị cho việc học hành dài lâu về sau của các con. Ở bậc mầm non, mục tiêu là rèn luyện được sự tự giác ban đầu, làm sao nuôi dưỡng cho các con rằng sau này phải thật nỗ lực trong hành trình tìm kiếm tri thức, để các con yêu việc học", cô giáo Trang tâm sự.

"Chưa từng làm mẹ nhưng em có một đàn con

Chưa sinh con, bao người gọi em là mẹ

Sao mà yêu thế, em nâng niu những búp tay thon

Vì yêu các con, em là cô giáo mầm non

Cô giáo mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề, mến trẻ cùng nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến của cô giáo Kiều Trang vẫn ngày ngày lên lớp, say sưa giảng bài cho các con thơ dân tộc thiểu số…", đó là những dòng chia sẻ, cảm nhận của cô giáo Lò Thị Hưng về nữ đồng nghiệp trẻ ở trường mình.

Lớp học của cô Trang và các con, xung quanh là màu xanh cây lá, màu hoa vàng, phía xa xa là những ngọn núi mây phủ. Hình ảnh lớp học vùng cao, nơi có cô giáo trẻ và đàn em thơ, đẹp như một dòng thơ.

"Vất vả, khó khăn là như vậy, nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt của các con là giáo viên như được tiếp thêm động lực, quên hết những sự mệt nhọc. Ở đây, các con rất ngoan, tình cảm và rất yêu cô. Cuộc sống ở nơi đây bình yên với những điều chân thành và giản dị. Một ngày bên đàn con thơ, luôn là một ngày vui"- Kiều Trang cho biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn