'Còn sức lực, tôi còn giúp người nghèo'

11:24 | 03/02/2017;
Đó là tâm nguyện của bà Ngô Thị Hồng (ở xã Hòa Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng), đảng viên gần 40 năm tuổi Đảng.
anh-2-ba-hong.jpg
 Bà Hồng (bìa trái) cùng chị em chuẩn bị đưa hàng cho các cơ sở tiêu thụ. Ảnh: VGP/Minh Trang
Người dân thôn Phong Nam (xã Hòa Châu) đã quá quen thuộc hình ảnh những người phụ nữ đang tất bật lo cho các chuyến hàng của cơ sở vải đầu khúc và phụ kiện may mặc do bà Ngô Thị Hồng (sinh năm 1952) làm chủ.

Cơ sở của bà Hồng đã có mặt tại thôn Phong Nam gần 15 năm nay,. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 51, vẫn còn nhiều trăn trở về những số phận phụ nữ tại vùng quê nơi bà sinh ra và lớn lên, bà Hồng nghĩ cách làm giàu từ chính đôi tay của mình, lại vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khác.

Có nghề may, bà mở xưởng thu mua các loại vải vụn, vải đầu khúc của các công ty may trên địa bàn và cả các tỉnh lân cận về chọn lựa lại những mảnh vải còn sử dụng được rồi bán cho các cơ sở may áo quần, mũ, nón, khẩu trang…

Lặn lội đi khắp các tỉnh miền Trung để tìm cơ sở thu mua với giá cả hợp lý, sau đó bà lại tiếp tục tìm, giới thiệu, kết nối với các điểm thu mua và xuất hàng gia công cho các điểm ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Đến giờ, bà đã có đầu ra ổn định cho hàng hóa của mình ở khắp cả nước, từ Hà Nội đến TPHCM. Mỗi tháng bà đưa hơn 30 tấn hàng là chăn bông, nệm, khẩu trang, thảm chùi chân… cho các mối tiêu thụ.

Điều đặc biệt ở xưởng may của bà, nhân viên là những phụ nữ đều có hoàn cảnh khó khăn, không việc làm, gia đình neo đơn…

Trong số các chị em, phải kể đến trường hợp chị Ông Thị Nên bị khiếm thính đã làm ở đây được hơn chục năm nay với mức lương 3 triệu đồng/tháng, giúp chị Nên vơi bớt nỗi mặc cảm là gánh nặng gia đình.

Xưởng may của bà Hồng là một điểm tựa cho phụ nữ nghèo ở thôn quê này. Hầu hết chị em hoàn cảnh khó khăn bà đều nhận vào hướng dẫn nghề rồi tạo công ăn việc làm cho họ. Đến nay, xưởng của bà có gần 30 chị em làm thường xuyên với mức ổn định 3 triệu đồng/tháng.

Ấp ủ với những kế hoạch sau này, bà Hồng chỉ vào chiếc áo lạnh để trên bàn rồi nói: “Tôi đang nghiên cứu ra Tết sẽ thuê thợ về cắt ráp gia công thêm nghề làm áo lạnh, từ đó tăng thêm nguồn thu nhập cho chị em…”.

Chị Trần Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Hoà Châu, khen ngợi: “Thật không có lời nào nói hết được tấm lòng của cô Hồng, ân tình mà cô đã làm với chị em xã Hoà Châu này! Là một đảng viên với gần 40 tuổi đảng, cô là tấm gương điển hình với những việc làm, hành động đẹp và nhân văn, nhân ái”.

Chị Oanh còn cho biết, hay tin gia đình nào trong thôn, trong xóm có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, bà lại tới thăm và giúp tiền để động viên họ lúc khó khăn…

Trong đợt lũ lịch sử tháng 10, bà vận động thu gom hàng tấn vải nỉ may 700 chiếc chăn gửi ra ủng hộ bà con vùng lũ Quảng Bình… Các hoạt động thiện nguyện vì người nghèo, bà cũng ủng hộ hết lòng.
anh-1-ba-hong.jpg
Bà Hồng chuẩn bị bữa cơm giúp người nghèo. Ảnh: VGP/Minh Trang 
Bà Hồng chia sẻ: “Trong tư tưởng của tôi luôn tôn thờ tấm gương vì nước, vì dân của Bác Hồ. Từ đó, cứ có điều kiện là tôi đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình giúp người nghèo, người kém may mắn hơn mình như lời hứa với Bác. Còn sức lực, tôi vẫn còn giúp người nghèo”.

Với những đóng góp vì xã hội, bà Ngô Thị Hồng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong việc làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ giai đoạn 2011-2015.

Bà cũng là 1 trong số 10 cá nhân tiêu biểu đại diện của TP Đà Nẵng đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn