Công diễn tiểu phẩm về hành trình cận tử của bệnh nhân ung thư tại Hà Nội

12:49 | 29/06/2018;
Tiểu phẩm ‘Memento Mori’ được đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật trong hành trình cận tử của các bệnh nhân ung thư và người nhà của họ.

Memento Mori là dự án nghệ thuật cộng đồng được đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chuyển thể từ cuốn sách Điểm đến của cuộc đời của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Chương trình tại Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 30/6 đến 2/7/2018 ở Học viện Young Hit Young Beat (Tòa nhà Mipec Long Biên). Tham gia chương trình có các diễn viên: Hoàng Hường, Phạm Diệu Hương, Mai Ka, Đan Phương, Phạm Thị Huế, Nam Anh, Tùng Lâm, Trần Thị Hà, Phương Chi và Thu Huyền. Trong số các diễn viên này, người là bệnh nhân ung thư, người có thân nhân là bệnh nhân ung thư.

Ba đêm diễn còn có sự tham gia xuyên suốt của nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh, nghệ sĩ múa Nguyễn Duy Thành, dàn hợp xướng Young Hit Young Beat. Ngoài ra, các nghệ sĩ khách mời đặc biệt: ca sĩ Mỹ Linh, Giang Trang, Ngô Hồng Quang sẽ có mặt ngẫu nhiên trong mỗi đêm như một món quà bất ngờ và không được báo trước.

my-linh.jpg
Ca sĩ Mỹ Linh là khách mời của chương trình

 

Tiểu phẩm Memento Mori được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân ung thư và người nhà mà tác giả Đặng Hoàng Giang tiếp xúc và đồng hành trong hành trình cận tử của họ.

Đó là Vân, người đã gửi gắm những lời dặn dò, nhắn nhủ cuối cùng cho 2 con gái qua những đoạn ghi âm ngắt quãng bởi sức khoẻ của chị càng về cuối càng không cho phép. Nhân vật Vân trong thực tế đã dùng những ngày cuối của cuộc đời mình thuyết phục gia đình chấp nhận cho chị hiến giác mạc, làm một điều có ích cho đời.

Đó là Hà, người đã đối mặt với việc căn bệnh ung thư xương đến với đứa con trai 10 tuổi của chị, bé Nam. Sự hồn nhiên, vô tư và cách sử dụng ngôn từ đặc biệt của em, có thể càng xoáy sâu vào lòng người xem sự thương cảm và day dứt khôn nguôi làm thế nào vượt qua nỗi đau, mất mát và tiếp tục sống khi người thân yêu nhất của mình mãi mãi ra đi.

Và Liên, cô gái trẻ với nhiều hoài bão ước mơ bị ung thư vú và mất sau 5 năm chữa chạy, 15 năm ăn học, 3 năm đi làm. Cuộc chiến cam go nhất của cô, có lẽ không phải với những liệu trình trị xạ, mà với chính bản thân cô: Làm sao để bỏ đi những sân si, tìm được cho mình ý nghĩa của cuộc sống để cuối cùng đến với cái chết một cách thanh thản?

Với Phạm Diệu Hương, một diễn viên của Memento Mori: “Chính các bệnh nhân ung thư, thông qua vở diễn này, đánh động tâm trí của chúng ta, những người đang nương náu trong sự yên ổn, buộc chúng ta phải đối diện và chìm vào suy tư về nỗi đau và cái chết của kẻ khác”.

poster_phamthihue.jpg
Phạm Thị Huế - diễn viên tham gia tiểu phẩm cũng là một bệnh nhân ung thư

 

Những mảnh ghép trong tiểu phẩm cùng chung một đích đến là cái chết, nhưng những con đường thì khác nhau. Memento Mori là một hành trình mang tính biểu tượng, đi qua sự chết để nghĩ về sự sống. Hành trình biểu tượng ấy là những trải nghiệm chân thật và tự nhiên về từng lát cắt hơi thở thông qua dòng chảy cuộc đời những con người đang sống chung với ung thư.

“Tôi muốn đưa thông điệp quan trọng của cuốn sách đến với càng nhiều người càng tốt. Và nghệ thuật có thể giúp khán giả tiếp nhận một cách trực tiếp và hiệu quả” – đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ nói về lý do dự án nghệ thuật cộng đồng Memento Mori ra đời.

Tác giả Đặng Hoàng Giang cho rằng: "Rất nhiều khi, cái mà người bệnh và người nhà của họ cần không phải là những lời khuyên, thậm chí không phải hỗ trợ tài chính, mà là sự thấu cảm, và cảm giác được chia sẻ nỗi đau và sự nhọc nhằn, vất vả”.

Trước khi công diễn tại Hà Nội, dự án Memento Mori đã được thực hiện tại TPHCM và Đà Nẵng, Dự kiến, trong thời gian tới dự án sẽ tiếp tục được công diễn tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn