Cuộc chiến 'ngành con thích' và 'ngành mẹ chọn' khi đổi nguyện vọng ĐH

17:56 | 10/07/2017;
Chuẩn bị đến thời điểm thay đổi nguyện vọng, không ít cha mẹ và con cái mâu thuẫn, cãi nhau vì không tìm được tiếng nói chung trong việc xác định nguyện vọng sẽ đăng ký xét tuyển.
Thí sinh tại ngày hội Tư vấn tuyển sinh 2017. Ảnh minh họa

Lẽ ra, biết điểm thi THPT Quốc gia, với số điểm yên tâm đỗ trường ĐH top đầu, gia đình Trần Minh Đăng (Quang Trung, Nam Định) sẽ rất vui khi sự cố gắng của con suốt thời gian qua đã được đền đáp. Thế nhưng, niềm vui ấy chỉ kéo dài trong ngày đầu tiên. Bởi, ngay sau đó, khi bàn đến việc thay đổi nguyện vọng, mẹ con Đăng đã tranh cãi nảy lửa khiến cả nhà căng thẳng theo.

Cũng may, Đăng và mẹ đều thống nhất việc Đăng sẽ học tại ĐH Bách khoa, nhưng mỗi người lại chọn một khoa. Trong khi người mẹ muốn con theo học khoa Công nghệ thông tin vì đây là ngành hot, dễ xin việc thì Đăng lại nằng nặc muốn học chương trình tiên tiến Việt- Nhật cũng ngành Công nghệ thông tin.

Những nguyện vọng sau, mẹ muốn Đăng đăng ký khoa Cơ khí, Toán ứng dụng - Tin học thì Đăng lại thích vào khoa Điện tử - Viễn thông; mẹ muốn Đăng đăng ký thêm trường Kinh tế quốc dân thì cậu kiên quyết chỉ học trường Kỹ thuật…

Mẹ Đăng lý giải, phải chọn những khoa an toàn với số điểm của con, sau này ra trường dễ xin việc, học không quá vất vả, học phí không quá cao… Trong khi đó, Đăng lại muốn theo học chương trình tiên tiến để có cơ hội đi du học hoặc chí ít các ngành liên quan đến “phần mềm” chứ không phải “động tay động chân” đến máy móc, dầu mỡ…

Nhiều thí sinh đau đầu trước việc thay đổi nguyện vọng. Ảnh minh họa

Người mẹ kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cho rằng, con thiếu kinh nghiệm sống, quá ảo tưởng về bản thân, còn Đăng cũng nhất định “chỉ theo học những ngành con yêu thích”. Cuộc tranh luận gay gắt đến mức Đăng bỏ ra ngoài và không quên “vớt vát”: Mẹ đăng ký khoa nào thì mẹ đi mà học. Nếu mẹ ép con học, sau này có như thế nào thì mẹ phải chịu trách nhiệm…

Không chỉ có mẹ con Đăng mâu thuẫn vì thay đổi nguyện vọng, Đỗ Hoài Thu (Q.Tây Hồ, Hà Nội) và bố mẹ cũng như “mặt trăng mặt trời” suốt mấy ngày nay. Chỉ vì bố mẹ thích Thu đăng ký vào Học viện Tài chính để sau này dễ xin việc, Thu lại sợ nhất là “các con số” nên muốn đăng ký khoa Ngôn Ngữ (ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội). Căng thẳng đến mức bố mẹ Thu tuyên bố: Nếu học ngành ngôn ngữ, bố mẹ sẽ không có trách nhiệm lo học phí. Thu muốn xoay sở, đi làm thêm thế nào để kiếm tiền nộp học thì làm…

Đau đầu, mâu thuẫn vì chọn trường, chọn khoa đang diễn ra ở nhiều gia đình hiện nay. Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, khi chọn nghề, thí sinh cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng: Thứ nhất, cần nắm bắt được nhu cầu xã hội, xu hướng phát triển của ngành nghề đó trong những năm tới. Thứ hai, năng lực, sở trường của mình có đáp ứng ngành nghề đó không. Thứ ba, ngành nghề đó có đúng với những hoài bão, ước mơ của mình hay không? Nếu các em chọn đúng thì cơ hội phát triển nghề nghiệp cao, dễ thành công.

* Thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp hơn với kết quả thi qua hình thức trực tuyến (từ ngày 15/7 đến ngày 21/7) và nộp phiếu điều chỉnh nguyện vọng tại nơi đăng ký dự thi (từ ngày 15/7 đến ngày 23/7).

* Ngày 1/8, các trường đại học công bố kết quả tuyển sinh đợt 1. Thí sinh xác nhận nhập học trước 17h ngày 7/8. Bộ GD&ĐT quy định đợt xét tuyển đại học, cao đẳng bổ sung bắt đầu từ 13/8.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn