Đúng 4 giờ 32 phút ngày 17/6/1939, lưỡi dao của chiếc máy chém lao xuống tách rời đầu của tên tử tù. Đó cũng là lúc tiếng nút chai champagne nổ lốp đốp trong tiếng reo hò của khách khứa đang chen chân bên cửa sổ khánh sạn nằm đối diện nhà tù Saint-Pierre ở Versailles, nơi ngay trước cổng nhà tù, chiếc máy chém khủng khiếp được dựng lên.
Đấy là lần cuối cùng trong lịch sử nước Pháp, án tử hình được thi hành bằng máy chém trước bàn dân thiên hạ. Kẻ bị hành hình là Eugen Weidmann, người Đức, biệt danh “Kẻ giết người với ánh mắt nhung lụa”. Đối với nước Pháp vào thời điểm trước khi bị Đức quốc xã chiếm đóng hồi đó, Eugen Weidmann là hiện thân của con quái vật Đức giết người máu lạnh.
“Kẻ giết người với ánh mắt nhung lụa”
Từ tháng 7 đến tháng 11/1937, tại Paris, Weidmann đã giết ít nhất 6 người, trong đó có 2 phụ nữ và 4 đàn ông. Động cơ chính là tham tiền. Ngoài ra, trong phiên tòa xét xử, hắn còn thừa nhận là không cưỡng lại được động cơ “làm một cái gì đó phiêu lưu, mạo hiểm, phi thường, kể cả làm điều ác”. Khi được hỏi, cảm nhận thấy động cơ này từ bao giờ, hắn nói: “Từ khi còn bé!”
Weidmann sinh năm 1908 tại Frankfurt bên sông Main. Ngay từ khi còn nhỏ, hắn đã ăn cắp của bạn bè và những người khách đến thăm gia đình. Khi bước vào tuổi 20, Weidmann ngồi tù 5 năm vì tội bắt cóc. Ngay sau khi ra tù, hắn bỏ đi Canada, ăn cắp tiền của người chủ công ty - nơi hắn vào làm và phải ngồi tù ở Canada.
Tháng 5/1937, Weidmann đến Paris với một kế hoạch cụ thể. Tại đây, hắn cùng 3 đồng phạm cùng ngồi tù với hắn mở một tiệm trang điểm và bắt cóc những khách du lịch giàu có để tống tiền. Với vóc dáng thể thao, ăn mặc luôn lịch lãm, hắn rất được các bà, các cô chú ý và vì thế, tiệm trang điểm của hắn rất đắt khách. Tuy nhiên, sau một thời gian, hắn chuyển sang giết người và có vẻ như Weidmann ra tay không có lựa chọn.
Gã sát nhân người Đức giết một người lái xe taxi, một y tá, một người môi giới bất động sản, một người quản lý nhà hát, một vũ nữ và cả một đồng bọn của hắn. Hắn luôn bắn một phát đạn vào gáy nạn nhân và cướp hết tài sản của họ. Khi được hỏi, có bị lương tâm cắn rứt không, Weidmann đã bình thản trả lời trước tòa: “Không, vì nạn nhân có phải chịu đựng gì đâu”. Chỉ duy có một lần, hắn đã hạ thủ bằng cách khác, ấy là khi hắn bóp cổ cô vũ nữ người Mỹ Jean Koven. Sau đó, hắn còn “trang điểm” cho nạn nhân bằng hoa hồng.
Đầu tháng 12/1937, khi cảnh sát bắt giữ Weidmann, cả Paris đặt câu hỏi: Gã thanh niên đẹp trai tóc nâu có đôi mắt mềm mại, thuộc thơ của Goethe và Schiller này là ai? Gián điệp của Hitler chăng? Hay một kẻ khủng bố được giao nhiệm vụ giết người để làm người Pháp hoảng loạn?
Khi lục soát biệt thự Weidmann thuê, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vali xếp đầy quần áo đàn ông, đàn bà. Người ta đã không thể xác minh được chủ nhân của đống quần áo đó là ai.
Hình ảnh tên giết người với cặp mắt mềm mại được báo chí truyền tới khắp hang cùng, ngõ hẻm của nước Pháp. Có quý bà, quý cô gửi thư tình đến tận nhà tù cho tên giết người ăn vận bảnh bao. Có lần Weidmann nói trong phiên tòa: Hắn thích vật nuôi. Ngay sau đó, một quý bà đã gửi cho hắn 3 con mèo trắng!
Bản án tử hình đưa ra ngày 31/3/1939 được Weidmann ghi nhận với một cái nhếch mép. Báo chí thời đó đã biến vụ chặt đầu Weidmann thành một sự kiện giật gân có một không hai trong lịch sử nước Pháp.
Cuộc hành hình công khai cuối cùng
Ở Pháp cho đến thời điểm đó, án tử hình được thi hành công khai bằng máy chém ngay trước nhà tù nơi tên tử tù bị giam giữ. Từ đêm hôm trước ngày hành hình Weidmann, khoảng 10.000 người đã đến Versailles. Các nhà hàng mở cửa suốt đêm. Tiếng ồn ào, náo nhiệt vọng đến tận xà lim của Weidman trong nhà tù Saint-Pierre. Rất nhiều người đã tụ tập trên khu vực trước nhà tù. Những người hiếu kỳ, nhà báo và nhiếp ảnh thuê sẵn khách sạn đối diện với nhà tù.
Khi đầu Weidmann vừa rơi, những người khách trong khách sạn và những người hiếu kỳ đến xem hành hình đã điên cuồng hò reo. Thủ tướng Pháp Edouard Daladier lúc đó rất bực mình vì “không khí lễ hội” này. “Tôi ngượng vì thái độ của công dân của tôi”, ông nói và đề nghị phải sửa đổi bộ luật hình sự.
Chỉ một tuần lễ sau vụ hành hình Weidmann, ngày 24/6/1939, Hội đồng bộ trưởng Pháp đã ra nghị quyết trong tương lai, án tử hình bằng hình thức chém đầu sẽ không được thực hiện công khai trước công chúng nữa. Từ đó đến năm 1982, khi Pháp bãi bỏ án tử hình kiểu đó, máy chém chỉ còn được hoạt động trong nhà tù mà thôi.
Câu hỏi còn để ngỏ: Weidmann là ai?
Trong khi bộ máy tư pháp giải quyết vụ án theo cách của họ, thì người ta không giải thích được, tại sao Weidmann lại gây ra một sự cuồng nhiệt đến như vậy ở nước Pháp. Roger Colombani, tác giả cuốn “Vụ Weidmann” đã đưa ra một khả năng. Theo ông, tên sát nhân người Frankfurt này là “biểu tượng của người Đức độc ác”, đã thúc đẩy làn sóng “chống chủ nghĩa German”, tạo ra một cơn hysteria (cuồng loạn) quốc gia “vượt quá những tội lỗi do Weidmann gây ra”.
Nhà báo người Pháp chuyên viết bài về tòa án Jean Laborde cũng nhận định tương tự. Theo ông, đối với người Pháp, gã sát nhân người Đức là hiện thân của kẻ xâm lược Hitler - là hình ảnh méo mó của con ma sói khủng bố thế giới.
Có lẽ câu hỏi Weidmann thực sự là ai sẽ mãi mãi không có câu trả lời. Tên giết người hàng loạt này không tự coi hắn là một kẻ quốc xã và cũng chẳng là một kẻ tâm thần mà là một gã công tử ăn diện, kiểu cách nhưng cô đơn và không tìm được ai đồng cảm cả! Kẻ tử tù cuối cùng bị hành quyết công khai ở Pháp tự nhận hắn là... một nhà thơ!