Con bé ấy là ai? Dù là ai thì bây giờ đâu còn ý nghĩa gì nữa khi tôi và anh đã trở thành “người dưng”. Tôi quét sạch sàn nhà còn vương những mảnh vỡ thủy tinh trước khi đón con về. Cánh cửa vừa mở ra, thằng bé hớn hở chạy vào nhà, xộc xạo khắp phòng này, phòng nọ để tìm bố. Mắt con tròn xoe hỏi tôi rằng bố nó đâu. Tôi dằn giọng: “Bố sẽ không bao giờ trở về đâu”…
Sự ích kỷ của cô sau ly hôn đã khiến con trai bị tổn thương sâu sắc (Ảnh minh họa)
2. Để xóa kỷ niệm của 4 năm cuộc sống hôn nhân, với tôi thật không dễ dàng. Có khi phải mất gấp đôi, gấp ba thời gian đó tôi cũng chưa chắc quên được. Quyết định rao bán căn nhà, dẫu biết đó là một điều nông nổi. Nhưng làm việc gì có thể giúp tôi có được chút bình yên trong tim lúc này, tôi cũng sẵn sàng đánh đổi.
Tôi phá nát những luống hoa trong vườn bằng nhát dao sắc ngọt. Những cây hoa đổ gãy, khô héo trên đất, phơi mình dưới nắng, cũng khiến tôi nhẹ lòng. Thay màu sơn xanh ngọc của căn nhà bằng màu đỏ hừng hực giống màu hoa mào gà, cũng làm tôi lòng tôi bớt khó chịu. Tấm riđô màu cam mà anh ta thích tôi quẳng vào thùng rác như vứt đi một thứ thừa thãi trong nhà.
Căn nhà “khoác” lên một “màu áo” mới nhưng tôi vẫn thấy đâu đó dấu vết của anh hiện hữu trong nhà. Tôi điên cuồng trong ý nghĩ không thể chấp nhận một kẻ phản bội ám ảnh không gian sống của mình. Tôi muốn anh ta phải bị ném vào quên lãng.
3. Con trai nhỏ vẫn thường hay hỏi bố, dù cho lần nào cũng bị tôi cố tình ngó lơ. Tại sao con trai lại đứng về phía anh ta? Còn người bị phản bội là tôi thì sao? Tôi cực đoan tới mức bảo với con rằng anh đã chết. Nhưng thằng bé không tin. Trong mơ, tôi vẫn thấy con gọi đòi bố, dù tôi có cố xóa sạch hình ảnh của anh trong tâm trí con.
Tôi và con chuyển đến một nơi xa lạ nhưng náo nhiệt hơn chỗ ở cũ. Chỉ lao vào sự ồn ã ấy, tôi mới có thể quên đi quá khứ buồn. Mỗi phòng, tôi đặt một chiếc máy nghe nhạc để căn nhà có thêm nhiều tiếng động. Nhưng gương mặt rầu rĩ của con trai lại khiến căn nhà trở nên im ắng.
Bằng cách nào đó, anh có số điện thoại mới của tôi. Anh muốn được gặp con. Tất nhiên, tôi không bao giờ chấp nhận điều đó. Bởi bao lâu tôi cố gắng để thằng bé quên anh, chỉ một khoảnh khắc trở về của anh cũng sẽ khiến cuộc sống của tôi và con trở lại “vạch xuất phát”…
Sự ích kỷ của tôi đã phải trả giá. Cô giáo của con trai tôi điện thoại cho biết: Thằng bé đi học trong tình trạng tâm lý không ổn định, ít nói, hễ bạn bè bắt chuyện là nổi cáu. Tôi đã làm gì con mình thế này? Tôi ôm con và cả đêm không ngủ được. Tự tôi quyết định không cho chồng cơ hội và ép con trai phải “mất” bố. Tôi đã không chấp nhận nổi sự thật sau cuộc đổ vỡ của hôn nhân nhưng tôi có quyền gì bắt con phải chịu những đau thương kia?
Con tỉnh giấc, dụi mắt nhìn tôi và có vẻ ngạc nhiên bởi đã rất lâu rồi tôi mới ôm thằng bé như vậy. Nó say sưa kể cho tôi nghe giấc mơ đêm qua có hình ảnh bố vuốt những cái xương dừa cong vút để làm diều cho nó. Rồi, con trai ôm tôi, thỏ thẻ: “Con nhớ bố!”. Mắt tôi cay xè.
Tôi hẹn gặp chồng cũ, để con tôi được gặp bố, lần gặp mặt không phải trong một giấc mơ.