Trong chuyến du lịch tại Việt Nam mới đây, bà Catherine Salois, một du khách đến từ Canada, đã đến tham quan nhiều vùng ở Đắk Lắk. Trong đó, bà vô cùng thích thú với trải nghiệm làm đồ gốm cùng phụ nữ M'nông Rlăm, ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Kể về trải nghiệm này, bà Catherine chia sẻ, bà chưa từng thấy cách làm gốm này trước đây. Những nghệ nhân làm gốm hoàn toàn bằng tay, không có sự hỗ trợ của bất kỳ loại dụng cụ hay máy móc nào.
Thay vì dùng bàn xoay, họ lại đặt sản phẩm gốm trên một chiếc bục gỗ và di chuyển xung quanh để tạo hình thành phẩm. Bà Catherine cảm nhận, cả quá trình hoàn thiện sản phẩm giống như một điệu nhảy thuần thục của nghệ nhân.
Họ dường như nhập tâm vào đó. "Nếu có một chút âm nhạc thì nó sẽ rất giống một điệu nhảy", bà Catherine nói.
Ở Đắk Lắk, làm gốm là nghề thủ công lâu đời của người M'nông và Ê Đê. Hiện nay, chỉ còn buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) là còn lưu giữ và thực hành làm gốm. Số nghệ nhân biết nghề chỉ còn hơn chục người.
Với sự phát triển của hoạt động du lịch trải nghiệm, nghề gồm như được "hồi sinh" trong những năm gần đây. Nghệ nhân H Phiết Uông, ở buôn Dơng Bắk, cho biết: Nhờ du lịch phát triển, ngày càng nhiều người dân và du khách tìm đến buôn làng để trải nghiệm cách làm đồ gốm và mua sản phẩm gốm về làm quà.
Từ chỗ không mấy ai quan tâm, trong 2 năm trở lại đây, ngày càng nhiều phụ nữ đăng ký học nghề, giữ nghề. Từ năm 2023, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã mở một lớp dạy và thực hành nghề gốm cho 30 phụ nữ trong xã Yang Tao.
Cũng theo bà H Phiết Uông, du lịch đã góp phần làm phong phú các sản phẩm đồ gốm. Không còn gói gọn trong những sản phẩm giản đơn, phổ biến như nồi niêu, chén bát, chõ hấp, nồi nước hay hũ đựng gạo, giờ đây, đồ gốm còn mang hình dáng các con vật hay những chiếc ché, bình hoa và nhiều hình tượng khác theo nhu cầu của du khách hay do chính nghệ nhân tưởng tượng ra.
Sản phẩm gốm không chỉ bó hẹp trong phạm vi buôn làng mà đã "bước ra" các kệ trưng bày, trở thành những món quà lưu niệm được du khách yêu thích.
Có lẽ, không chỉ đồ gốm mà nhiều sản phẩm từ buôn làng đã "vươn tầm" thế giới nhờ sự phát triển của du lịch.
Những chiếc giỏ xách, khăn choàng, túi đeo từ thổ cẩm, hay những món quà lưu niệm nhỏ xinh từ tre nứa, gỗ điêu khắc do người dân tạo ra với hình thù lạ mắt, độc đáo trở nên cuốn hút du khách khi họ đến thăm buôn làng, tự mình tìm hiểu và trải nghiệm quá trình tạo ra sản phẩm.
Đây chính là thế mạnh của hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa hay du lịch cộng đồng, một loại hình du lịch đang được tỉnh Đắk Lắk quan tâm phát triển.
Năm 2023, Đắk Lắk đã công bố buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh tại buôn Akŏ Dhông. Với vị trí gần trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, buôn Akŏ Dhông là nơi sinh sống lâu đời của người Ê Đê, với 247 hộ và 1.004 nhân khẩu.
Đây được xem là buôn làng đẹp nhất ở Đắk Lắk hiện nay, với 32 ngôi nhà dài truyền thống cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, đội văn nghệ và các nghề truyền thống được gìn giữ, bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ.
Sau hơn một năm được công nhận là buôn du lịch cộng đồng, Akŏ Dhông đã có sự thay đổi về cách làm du lịch. Cơ sở hạ tầng của buôn được quan tâm đầu tư nhiều hơn, sản phẩm du lịch dần định hình theo cụm nhóm, người dân chú trọng hơn về kỹ năng làm du lịch, bảo vệ môi trường…
Từ buôn thí điểm này, đến nay, tỉnh đã công bố thêm nhiều buôn du lịch cộng đồng khác, như: buôn Trí (huyện Buôn Đôn), buôn Kuôp và Tơng Jú (thành phố Buôn Ma Thuột), buôn Jun (huyện Lắk)…
Mỗi buôn được công bố đều định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo những hướng khác nhau, tạo nét riêng để du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều khía cạnh văn hóa của mỗi dân tộc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, tỉnh đã xác định thế mạnh của mình là phát triển du lịch sinh thái và văn hóa.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về bảo tồn văn hóa cồng chiêng, nghị quyết chuyên đề hỗ trợ đồng bào các thôn, buôn phát triển du lịch cộng đồng; tập trung các nguồn lực, các dự án, chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy có trọng điểm về du lịch để vừa bảo tồn văn hóa, vừa phát triển sản phẩm du lịch.
Bên cạnh "vực dậy" những nghề truyền thống trước nguy cơ mai một, hoạt động du lịch văn hóa cũng đang góp phần "đánh thức" những bản sắc trong cộng đồng, thúc đẩy người dân khai thác thế mạnh bản sắc văn hóa của dân tộc mình để phát triển du lịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn