Bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau như xuất huyết, suy đa tạng, sốc... Điều này làm cho cả bệnh nhân và người nhà đều có tâm lý lo lắng nhiều về bệnh. Do đó, sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi trở thành chủ đề rất được quan tâm, giúp người bệnh giảm bớt lo lắng, là cơ sở để có chế độ chăm sóc thích hợp nhằm thúc đẩy quá trình bình phục diễn ra nhanh chóng hơn.
Thời gian mắc bệnh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như mức độ nặng của bệnh, điều trị và các biến chứng do bệnh gây nên,...
Tuy nhiên đối với một trường hợp mắc sốt xuất huyết thống thường và không có biến chứng, thời gian lành bệnh sốt xuất huyết thường sẽ lành bệnh sau 7-10 ngày kể từ khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh xuất hiện.
Các giai đoạn diễn tiến cơ bản của một trường hợp mắc sốt xuất huyết không có biến chứng bao gồm:
- Giai đoạn sốt: Là giai đoạn từ 1-2 ngày đầu sau khi khởi phát. Người bệnh có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, da xung huyết, nhức đầu, chán ăn,...
- Giai đoạn nguy hiểm: Kéo dài từ ngày thứ 3-7 của bệnh sau khi khởi phát. Sốt có thể giảm ở giai đoạn này, nhưng người bệnh có thể có thêm các triệu chứng nguy hiểm khác như chảy máu, nôn ói, đau bụng nhiều, lừ đừ...
- Giai đoạn hồi phục: Từ 7-10 ngày sau khi khởi phát bệnh. Các triệu chứng của bệnh nhân dần ổn định và các thông số xét nghiệm dần trở về bình thường.
Một số dấu hiệu xác định xem bản thân đã khỏi sốt xuất huyết hay chưa để có hướng chăm sóc, bồi bổ phù hợp:
- Giảm mệt mỏi: Khi chuyển qua giai đoạn khỏi bệnh, người bệnh sốt xuất huyết sẽ giảm dần cảm giác mệt mỏi và cảm thấy dễ chịu. Cụ thể, người bệnh bớt đau nhức cơ thể, bớt cảm giác chán và thấy ngon miệng hơn...
- Không xuất hiện thêm nốt phát ban hoặc chảy máu mới: Khi mắc sốt xuất huyết, cùng với tình trạng tăng tính thấm thành mạch và giảm số lượng tiểu cầu thì sự xuất hiện của các nốt phát ban, xuất huyết sẽ tăng dần và đạt cực đại vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, tức là ngày thứ 3-7 sau khi khởi phát bệnh.
Do vậy, khi bệnh nhân thấy các nốt phát ban hoặc chảy máu trên cơ thể bắt đầu giảm dần và không còn xuất hiện ở các vị trí mới. Thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh sốt xuất huyết đang bước vào giai đoạn hồi phục và người bệnh dần khỏi bệnh.
- Đi tiểu nhiều hơn: Sự di chuyển dịch từ lòng mạch ra khu vực gian bào do tăng tính thấm thành mạch khiến bệnh nhân sốt xuất huyết đi tiểu ít đi. Nhưng khi đến giai đoạn hồi phục, dịch từ khu vực gian bào sẽ di chuyển ngược lại vào lòng mạch. Từ đó làm gia tăng lưu lượng máu đến thận nên lượng nước tiểu cũng sẽ tăng lên. Vì vậy, tiểu nhiều lên được xem là một trong các dấu hiệu nhận khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết.
- Ngứa và ho khan: Ngứa và ho khan cũng là một trong những dấu hiệu phản ánh giai đoạn hồi phục của bệnh sốt xuất huyết khi chúng xuất hiện ở giai đoạn ngày thứ 7 sau khi khởi phát bệnh. Bởi sự tái hấp thu dịch vô lòng mạch từ các khoang màng phổi, khoang gian bào có thể gây tình trạng kích thích, khiến người bệnh bị ho khan và cảm giác ngứa ngáy cơ thể.
* Lưu ý: Quan điểm cho rằng bệnh nhân sốt xuất huyết hết sốt cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân đã hết bệnh. Tuy nhiên đây lại là một quan điểm rất sai lầm. Hết sốt chỉ là một trong số nhiều tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá sự bình phục của bệnh nhân sốt xuất huyết. Bởi người bệnh sốt xuất huyết hoàn toàn có thể chỉ sốt nhẹ hoặc thậm chí không sốt trong giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 3-7 của bệnh.
Việc ngộ nhận hết sốt đồng nghĩa với khỏi bệnh sốt xuất huyết dễ gây nên tâm lý chủ quan, không theo dõi chặt chẽ người bệnh... Điều này khiến nhiều biến chứng nguy hiểm của bệnh không được phát hiện kịp thời, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của người bệnh.
Với các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng hoặc các bệnh nhân sốt xuất huyết nhẹ nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu điều trị ngoại trú thì việc nhập viện là cần thiết. Tuy vậy, các bệnh nhân này sẽ không nhất định phải chờ đến khi khỏi hẳn bệnh sốt xuất huyết mới có thể được xuất viện. Người bệnh có thể được chỉ định xuất viện nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn sau đây:
- Người bệnh tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
- Ăn uống được bằng đường miệng.
- Các chỉ số sinh tồn như mạch, huyết áp, nhịp thở... ở trong khoảng bình thường.
- Người bệnh hết sốt ít nhất hai ngày.
- Các chỉ số xét nghiệm như men gan (AST, ALT), số lượng tiểu cầu... có xu hướng trở về mức bình thường.
Thường các bệnh nhân được xuất viện nhưng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, nên sau khi về nhà vẫn cần được theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng lịch hẹn để phát hiện và xử lý các tình huống bất thường xảy ra.
Trên đây là những giải đáp cho câu hỏi: "Khi nào thì biết đã khỏi sốt xuất huyết?". Tuy nhiên, còn tuỳ thuộc vào thể trạng của người bệnh để đánh giá mức độ khỏi bệnh. Vì vậy, nếu vẫn còn bất kỳ triệu chứng nào cuẩ bệnh, nên hết sức cần trọng và tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn