Nắm bắt được xu hướng và lợi thế của thương mại điện tử nên ngay những năm đầu thành lập, chị Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) đã tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để giới thiệu, bán hàng trực tuyến. Từ đó, những sản phẩm đặc trưng của địa phương như: bí thơm, trà bí, thịt sấy khô… đã có mặt các cửa hàng, siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đưa lên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử…
Doanh thu mỗi năm hiện nay của HTX Nhung Lũy đã vượt con số 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương.
Năm 2020, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, được lựa chọn là một trong 7 xã trong toàn quốc triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số xây dựng xã thông minh. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, Hợp tác xã Thiên An được hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng.
Cùng với việc được đầu tư về cơ sở vật chất như máy tính, máy in hiện đại cùng các trang thiết bị cần thiết khác, các thành viên Hợp tác xã được tham gia tập huấn, tìm hiểu về chuyển đổi số, được tư vấn những nội dung chuyển đổi số phù hợp với điều kiện đặc thù ở địa phương. Ngoài ra, Hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá về các sản phẩm và tư vấn bán hàng một cách chuyên nghiệp...
Chị Lý Thị Quyên - Giám đốc Hợp tác xã Thiên An chia sẻ, chương trình chuyển đổi số - bán hàng trên nền tảng công nghệ số đã tạo nên làn gió mới giúp Hợp tác xã thay đổi tư duy, liên tục đổi mới sáng tạo, là cơ hội để Hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu. Khi mới thành lập năm 2015, Hợp tác xã chỉ có 12 thành viên với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng thì đến nay, Hợp tác xã đã có 22 thành viên, vốn điều lệ tăng lên là 1,5 tỷ đồng.
Vệc chuyển đổi số không chỉ mang lại cơ hội cho các hợp tác xã, Tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các mô hình kinh doanh mới, thị trường mới mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào các nền tảng giao dịch thương mại, tiếp cận đa dạng khách hàng, quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả; đặc biệt đối với việc quảng bá, liên kết tiêu tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại địa phương.
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi cách thức làm việc cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả công việc; thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao kiến thức kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong năm, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số, như: Sử dụng Facebook cho hội viên thúc đẩy hoạt động kinh doanh; hỗ trợ thiết lập xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến; kết nối, tư vấn, hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và kỹ năng livestream bán hàng cho hội viên, phụ nữ kinh doanh khởi nghiệp…
Thông qua các khóa tập huấn, nhiều hội viên hội phụ nữ đã được nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, biết lập trang kinh doanh trên Facebook, bán hàng online để tăng thu nhập. Do đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ là người dân tộc thiểu số có ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quá trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả bước đầu khá rõ rệt.
Theo Sở Công Thương Bắc Kạn, những năm vừa qua, tăng cường liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử được tỉnh Bắc Kạn xem là giải pháp tối ưu tạo ra những kênh phân phối mới, hiện đại; đồng thời định vị đúng giá trị thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian qua, các đơn vị chức năng của địa phương đã hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, các chủ thể OCOP đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử trong nước như Buudien, Shopee; hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế như alibaba; khuyến khích các nhà sáng tạo nổi tiếng trên Tiktok livestream bán hàng, sản phẩm OCOP trực tiếp trên nền tảng TikTok.
Sàn thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ sản phẩm an toàn, hiệu quả, mà còn giúp xây dựng thương hiệu nông sản cho các hợp tác xã, doanh nghiệp. Do đó, thời gian tới, việc hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục được triển khai, góp phần kết nối, quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn