Đồ chơi tương tác “đổ bộ” thị trường

11:05 | 28/01/2016;
Nếu cuối thế kỷ XX là thời của những món đồ chơi có thể tự vận hành dưới sự điều khiển của người chơi, thì giờ có thể coi là thời điểm thích hợp để cho ra đời những món đồ chơi “có trí tuệ” - có khả năng tương tác với người chơi như 1 người bạn thực thụ.
Búp bê Hello Barbie có khả năng trò chuyện cùng trẻ em thông qua kết nối internet

Google là cái tên đình đám đầu tiên trong giới công nghệ tấn công vào công nghệ chế tạo đồ chơi tương tác. Mới đây, hãng đã chính thức nộp bằng sáng chế về loại hình đồ chơi mới mẻ này - nghe nói là đã được đầu tư từ 3 năm trước. Loạt sản phẩm đầu tiên họ sẽ cho ra mắt trong nay mai là những chú thú bông được tích hợp micro trong tai, máy ảnh trong mắt, loa trong miệng và động cơ ở cổ, không chỉ tự vận động mà còn có thể trò chuyện, tâm sự, thậm chí “khuyên nhủ” hay “an ủi” những cô, cậu bé là “chủ nhân” của chúng khi mắc lỗi hay gặp chuyện buồn...

Bên cạnh đó, mẫu đồ chơi này còn hoạt động như một “điều khiển từ xa thông minh”, hỗ trợ “chủ nhân” quản lý các thiết bị giải trí hay hệ thống thông minh ở xung quanh một cách dễ dàng. Nhờ đó, chúng không những hoạt động theo các chương trình đã được cài đặt sẵn một cách máy móc, mà còn có khả năng “học hỏi” để “nâng cao trình độ” trong khả năng giao tiếp, ứng xử. Từ đó có thể đưa ra những tình huống đối đáp, cư xử đầy bất ngờ, dễ thương như đứa trẻ lên 3.     Đây thực sự là một bước ngoặt quan trọng của công nghệ sản xuất đồ chơi.

THỊ TRƯỜNG giàu TIỀM NĂNG

Đồ chơi luôn là một thị trường béo bở, hứa hẹn rất nhiều lợi nhuận. Vì thế mà các nhà sản xuất đồ chơi vẫn luôn “vắt óc” để nghĩ ra những món đồ chơi đẹp và hấp dẫn. Không phải đến bây giờ, ý tưởng về đồ chơi tương tác mới xuất hiện, mà thực ra nó đã có từ hơn 10 năm trước.

Ngay từ năm 2004, công nghệ cao đã “ào ạt tấn công” vào thế giới đồ chơi trẻ em. Các hãng đồ chơi tràn trề hy vọng cạnh tranh với các hãng video game và game vi tính, ra sức quảng cáo cho những mẫu sản phẩm mới có khả năng tương tác với các chương trình tivi. Với chủ trương ngày càng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại vào các sản phẩm, đồng thời tăng cường yếu tố giải trí, những mẫu đồ chơi thông minh khi ấy sử dụng một số dạng microchip đặc biệt, cho phép “giao tiếp” với người chơi thông qua một số thao tác mà chúng “tự nghĩ ra” chứ không theo một sự “chỉ đạo” nào. Ví dụ Serafina - con mèo nhồi bông của Mattel Inc - có khả năng hát và ve vẩy đuôi nếu như trên trên màn hình tivi xuất hiện hình ảnh búp bê Barbie. Hay như “Wheel Of Fortune” (chương trình gốc của “Chiếc nón kỳ diệu”) của hãng Hasbro cho phép người chơi sử dụng 1 thiết bị xách tay không dây để “cạnh tranh” trực tiếp với những thí sinh thật sự trên tivi. Nếu bạn đánh bại được các thí sinh, đài truyền hình sẽ ra tín hiệu bạn được download game thưởng vào máy của mình. Một sản phẩm khác, InteracTV của Mattel cho phép trẻ em tương tác và vui học với những nhân vật mà chúng yêu thích nhất trên những show truyền hình ăn khách như “Blue Clues” hay “Dora the Explorer’’ thông qua tivi và đầu đĩa DVD. Bộ điều khiển không dây sử dụng công nghệ cảm biến và màn hình tiếp xúc.

Một mẫu đồ chơi thông minh của CogniToys Dino 

Gần đây, giữa lúc Google còn đang “rục rịch” chuẩn bị cho sự xuất hiện của đồ chơi tương tác thế hệ mới thì Công ty Sản xuất đồ chơi Toy Talk (Mỹ) đã kịp “chào hàng” cô búp bê nổi tiếng Hello Barbie có khả năng trò chuyện cùng trẻ em thông qua kết nối internet. Hello Barbie thông minh hơn các mẫu búp bê truyền thống, vì có khả năng trò chuyện cùng những đứa trẻ như một người bạn. Cơ chế hoạt động của Hello Barbie tương tự như các ứng dụng thư ký ảo Siri hay Cortana. Nó cũng có khả năng thu nạp các đặc điểm của người chơi như sở thích về màu sắc, loại quả hay món tráng miệng ưa thích. Bộ nhớ của búp bê tích hợp hàng nghìn đoạn hội thoại, giả định ra hàng trăm triệu tình huống giao tiếp, đủ giúp búp bê tự tin tương tác với những đứa trẻ từ 10 tuổi.

Ngoài ra còn có mẫu đồ chơi My Friend Cayla có thể trò chuyện và trả lời những câu hỏi về kiến thức tổng quát; Búp bê My Friend Cayla kết nối với internet thông qua thiết bị thông minh iOS hoặc Android, chạy các ứng dụng My Friend Cayla và sử dụng nhận dạng giọng nói để tương tác, với bộ nhớ lưu trữ hàng triệu cụm từ, có thể tìm kiếm trên internet để cung cấp các câu trả lời đúng với các câu hỏi mà trẻ đặt ra...

Cũng dự kiến sẽ được bán ra thị trường trong những tháng tới là các mẫu đồ chơi thông minh của CogniToys Dino, trong đó sử dụng trí thông minh nhân tạo của IBM Watson để cải thiện sự tương tác và các cuộc trò chuyện với trẻ em. Đây là một chương trình phần mềm trí tuệ nhân tạo do IBM phát triển với mục đích đưa ra lời đáp cho các câu hỏi được nêu lên bằng ngôn ngữ tự nhiên.

Tất nhiên, trước mỗi sự ra đời của một dạng thức đồ chơi mới, các bậc phụ huynh lại không khỏi lo lắng về những “mặt trái” của nó. Với đồ chơi tương tác, phụ huynh có thể lo những “vấn đề nhạy cảm” mà trẻ có thể thực hiện với món đồ chơi của mình. Nó đặt ra vấn đề phụ huynh phải quản lý làm sao cho khéo léo mà vẫn chặt chẽ, nhằm đảm bảo trẻ có thể vui chơi một cách lành mạnh với món đồ chơi thông minh, mà vẫn đảm bảo được quyền riêng tư của chúng. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn