Du học sinh Việt ở Anh lo cuộc sống xáo trộn

23:07 | 24/06/2016;
Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là thông tin thu hút sự quan tâm của các du học sinh người Việt.
 Du học sinh Việt Nam tại Anh mong cuộc sống không bị xáo trộn, có thêm cơ hội việc làm khi Anh rời khỏi EU - Ảnh minh họa internet.

Đang về Việt Nam nghỉ hè, nhưng những ngày này, Vũ Phạm Khôi Nguyên, đang học ngành Du lịch, tại Sunderland University (ở Sunderland, Vương quốc Anh) vẫn để tâm theo dõi tình hình nước Anh.

Nguyên đã sang Anh du học được 2 năm và còn 2 năm nữa mới kết thúc thời gian học. Nguyên cho biết, như vậy là cậu sẽ có điều kiện trải nghiệm nước Anh trong cả hai giai đoạn trong và ngoài EU.

Nguyên dự đoán, việc Anh rời EU, sẽ khiến đồng bảng Anh giảm giá. Hiện, tỷ giá đồng bảng Anh tại Việt Nam những ngày qua cũng đã hạ. Như vậy, gia đình Nguyên cũng có thể tiết kiệm được một phần chi phí để cho Nguyên du học tại Anh. “Tuy nhiên, thực tế cuộc sống có dễ thở hơn không thì phải kiểm chứng mới biết. Trước khi ra khỏi EU, giá cả sinh hoạt ở Anh đã đắt đỏ. Tới đây, tuy đồng bảng Anh mất giá nhưng nếu giá các mặt hàng, nhà cửa sẽ tăng cao… thì cũng không có nhiều ý nghĩa”.

Nguyên cho biết, nguyện vọng của người dân Anh về việc ở hay đi khỏi EU khác nhau giữa các khu vực. Chẳng hạn ở London, tại nhiều cửa hàng như McDonalds, KFC, Starbucks… đều có đông người dân EU tới làm. Vì thế, người dân London muốn rời khỏi EU để “giữ nước Anh” cho người Anh. Tuy nhiên, tại các khu vực khác như Sunderland chủ yếu là người dân Anh sinh sống nên Nguyên thấy, cuộc sống trước ngày bỏ phiếu vẫn bình thường.

Nhiều người không quan trọng việc “đi” hay “ở” EU. Bản thân Nguyên mong muốn tới đây, khi trở lại Anh, cậu sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm trong bối cảnh lao động EU giảm bớt để có thể tự trang trải chi phí ăn, ở tại đây.

Nguyễn Hoàng Long, một du học sinh khác tại Nottingham cho biết, ngay trong cộng đồng người Việt, những người đã có quốc tịch Anh muốn “Anh rời khỏi EU” để được độc lập. Còn người Việt mới sang, hoặc du học sinh Việt tại Anh lại mong muốn Anh ở lại EU. Riêng Long, nếu được chọn, cậu vẫn thích phương án “giữ” Anh ở lại EU hơn vì cậu lo ngại, tới đây, việc đi lại từ Anh sang các nước EU của cậu hoặc người thân từ Việt Nam sang sẽ khó hơn.

Theo Hoàng Long, chắc chắn, sau khi ra khỏi EU, kinh tế nước Anh sẽ không tránh khỏi cú sốc, tăng trưởng chậm lại và có thể phải mất một giai đoạn 5 đến 10 năm mới có thể phục hồi thay vì “một sớm một chiều”. Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố ông sẽ từ chức vào tháng 10, sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời EU. Vì thế, Long không biết tới đây, đời sống kinh tế, chính trị ở Anh sẽ ra sao. “Khi nước Anh bất ổn thì du học sinh như chúng mình cũng sẽ bị ảnh hưởng”, Hoàng Long chia sẻ.

* Bà Đào Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học Quốc Anh IEC: Việc Anh ra khỏi EU có thể sẽ không tác động nhiều đến việc du học sinh du học tại Anh bởi từ trước đến nay, quốc gia này vẫn có chính sách “độc lập về visa”. Vì thế, tới đây, khi Anh ra khỏi EU, cùng với chính sách thắt chặt về visa cho sinh viên người nước ngoài trước đó, sẽ hạn chế số người EU vào Anh. Như vậy, nhìn về một góc độ nào đó việc này lại mở ra cơ hội cho du học sinh Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Hiện nay, xu hướng bạn trẻ du học tại Anh vẫn chiếm tỷ lệ cao so với các thị trường du học khác. Tuy nhiên, tất cả còn phải đợi nước Anh tới đây ban hành các chính sách du học mới mới có thể đánh giá tiếp.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn