Du lịch cộng đồng bản Thẳm: Chưa phát triển tương xứng với thế mạnh địa phương

22:18 | 29/06/2023;
Hiện nay, du khách đến đây chủ yếu là khách "vãng lai", các dịch vụ tại địa phương tuy có chú trọng đến bản sắc của người Lự song vẫn còn rất "nghiệp dư". Các dịch vụ chủ yếu mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh so với nhiều mô hình tương tự trên địa bàn tỉnh.

Lần đầu đến Lai Châu, chị Trần Hải Yến (quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng gia đình chọn khu du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) và Bản Thẳm (huyện Tam Đường) để nghỉ ngơi sau khi các con kết thúc năm học. "Tôi được nghe rất nhiều về bản người Mông ở Sin Suối Hồ, cũng ấn tượng với những thước phim họ quảng cáo trên mạng nên quyết định đến nghỉ dưỡng. Sau đó được bạn bè giới thiệu, tôi mới biết bản Thẳm ở xã Bản Hon cũng có khu du lịch gắn với người dân tộc Lự, vì vậy cả nhà quyết định đến thăm" - chị Huyền cho biết.

Mặc dù có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch tại bản Thẳm, tuy nhiên có rất nhiều du khách giống như chị Huyền, gần như không biết nhiều về khu dịch cộng đồng này nếu như không có sự tìm hiểu kĩ về Lai Châu hoặc có người bản địa mách nước. Đó cũng là một trong những vấn đề mà lãnh đạo các cấp cũng như người dân tại địa phương trăn trở trong việc phát triển đời sống, kinh tế thông qua du lịch cho đồng bào người Lự trên địa bàn.

Bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) là một trong những nơi tập trung rất đông cộng đồng người dân tộc Lự sinh sống ở tỉnh Lai Châu. Theo chia sẻ của cán bộ Hội LHPN huyện Tam Đường, thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Lự trên địa bàn xã Bản Hon, UBND xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, nghiên cứu và phục dựng nhiều hoạt động truyền thống của dân tộc như: Lễ hội mừng cơm mới, Lệ hội cúng hồn trâu, Lễ hội cúng rừng, giữ tục dệt thổ cẩm và đan lát.

Du lịch cộng đồng bản Thẳm: Chưa phát triển tương xứng với thế mạnh địa phương - Ảnh 1.

Một góc khu du lịch cộng đồng bản Thẳm khi chiều về

Cùng với đó, các cấp các ngành từ tỉnh đến huyện đã quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư vào điểm du lịch cộng đồng Bản Thẳm trên địa bàn. Trong hơn hai năm quá, 5 hộ gia đình đã được hỗ trợ 50 triệu đồng/ hộ để làm mô hình nhà lưu trú (homestay) và 5 hộ gia đình khác được hỗ trợ 250 triệu đồng để xây dựng mới 5 nhà vệ sinh đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch. 

Đến nay, toàn xã có 6 nhà lưu trú, 3 cơ sở ăn uống đáp ứng dịch vụ cho khoảng trên 150 du khách. Cơ sở hạ tầng trong bản cũng được chỉnh trang, nâng cấp; nhiều hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Lự như: Nhuộm răng đen, dệt thổ cẩm, nấu món ăn truyền thống được duy trì để tạo sự khác biệt trong mô hình du lịch.

Bà Tao Thị Kẻo, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Hon cho biết, sau hơn hai năm đi vào hoạt động, tổng lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm trên địa bàn ước đạt trên 30 nghìn lượt người, doanh thu từ du lịch ước đạt khoảng trên 5 tỷ đồng. "Lãnh đạo xã thường xuyên cử cán bộ và một số hộ gia đình tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ du lịch, sau đó về hướng dẫn lại cho bà con. Câu lạc bộ văn hoá dân gian dân tộc Lự được khách du lịch rất yêu thích vì có nhiều tiết mục văn nghệ cũng như chương trình biểu diễn tái hiện văn hoá bản địa" - bà Tao Thị Kẻo cho biết.

Từ những con số thống kê trên cho thấy, hiện nay, việc phát triển du lịch trên địa bàn xã hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan, bản sắc văn hoá của địa phương.

Du lịch cộng đồng bản Thẳm: Chưa phát triển tương xứng với thế mạnh địa phương - Ảnh 2.

Để bản Thẳm phát triển xứng đáng với tiềm năng của địa phương, người dân cần thay đổi tư duy để chủ động, linh hoạt trong việc làm du lịch cộng đồng

Theo chia sẻ của chị Trần Hải Yến (du khách tham quan kể trên), tại bản Thẳm, rất ít homestay đạt tiêu chuẩn. "Tôi không có nhiều sự lựa chọn về nơi ở. Ở đây tuy cảnh sắc và con người rất thân thiện, nhưng lại không có nhiều điểm đi chơi khám phá, chưa đủ sức níu chân mình ở lại lâu hơn" - chị Yến cho hay.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hoa - cán bộ Hội LHPN huyện Tam Đường - cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Thẳm là sự hạn chế trong nhận thức của người dân. "Dù được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện và động viên rất nhiều song một bộ phận đồng bào dân tộc vẫn trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, coi công tác phát triển du lịch là việc của chính quyền địa phương".

Cùng với đó, sự thiếu liên kết trong việc xây dựng tuyến tham quan các điểm du lịch khác trong tỉnh cũng là một hạn chế khiến du khách ít quan tâm đến bản Thẳm. Hiện nay, du khách đến đây chủ yếu là khách "vãng lai", các dịch vụ tại địa phương tuy có chú trọng đến bản sắc của người Lự song vẫn còn rất "nghiệp dư", chủ yếu mang tính tự phát nên các sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, thiếu tính cạnh tranh so với nhiều mô hình tương tự trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như hiện nay, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tại bản Thẳm vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sự chủ động. Vì vậy tuy cơ sở hạ tầng đã được các cấp các ngành quan tâm đầu tư, song nguồn lực địa phương vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư vào tiềm năng lợi thế mà địa phương sẵn có.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn