Đưa con đi khám ngay nếu phân của bé có những dấu hiệu sau

16:19 | 05/10/2016;
Khi bé đi vệ sinh, nhiều cha mẹ không để ý đến chất thải của bé, đổ thẳng đi mà không hay biết rằng những ‘thứ bỏ đi’ đó cũng là một phần biểu hiện sức khỏe của con bạn.
Phần lớn, biến đổi của phân ở trẻ em đều bắt nguồn từ thay đổi chế độ ăn. Điều chỉnh ăn uống có thể làm thay đổi màu sắc, mùi, mật độ và khối lượng phân. Nhiều loại thuốc uống cũng ảnh hưởng tới hình thức của nó.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, Hà Nội cho rằng: trẻ em chưa biết nói nên khi bị đau ốm, trẻ chỉ khóc hoặc bỏ ăn, bỏ bú. Có một cách người lớn biết được trẻ đang mắc bệnh nhờ vào chất thải tiêu hoá. Nhiều bố mẹ “coi thường” chất thải này nhưng thực chất nhìn chúng lại là cách “mách” bệnh của con mình. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa như hiện nay, trẻ ốm khá nhiều với các bệnh như tiêu hoá, hô hấp, sốt… Có một số chi tiết nhỏ bố mẹ không nên bỏ qua sau mỗi lần cho con trẻ đi vệ sinh. Đó là nhìn nước tiểu và phân của trẻ.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đưa ra hướng dẫn cụ thể: Ở giai đoạn trẻ bú mẹ thường đi ngoài phân vàng tươi như màu hoa cải. Phân cũng có thể lỏng và có màu xanh. Đây là chuyện rất bình thường, không đáng lo ngại. Ở trẻ lớn hơn, phân xanh và lỏng lại là dấu hiệu của viêm dạ dày ruột, còn gọi là nhiễm trùng đường tiêu hóa. Lúc này cần đưa bé đi khám bác sĩ. Khi thấy phân trẻ có màu nhạt, hơi trắng, có thể là dấu hiệu của tắc ống dẫn mật, một dị tật bẩm sinh. Phân nổi bập bềnh, có mùi hôi, có thể là dấu hiệu của chứng khó hấp thu. Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống tiêu hóa không hấp thu đủ chất dinh dưỡng. Nguyên nhân có thể do bé không dung nạp, khó tiêu hóa hoặc dị ứng với thực phẩm nào đó. Nếu con bạn đi ngoài phân nhạt màu, da và lòng trắng mắt bị vàng, nước tiểu sẫm màu, cần đưa bé đi khám để loại trừ bệnh viêm gan.
ve-sinh.jpg
Đừng bỏ qua chất thải của trẻ
Phân trẻ cũng có màu sắc, các màu thay đổi theo từng thời điểm. Không chỉ có sắc trắng mà phân có cả màu xanh, màu vàng. “Phân màu xanh có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Đây có thể là kết quả của việc chủ nhân đã ăn quá nhiều rau xanh hoặc chất nhuộm thực phẩm màu xanh.Trong một số trường hợp khác, chất thải màu xanh có thể bắt nguồn từ sự nhạy cảm đối với dầu cây hồi hoặc là tác dụng phụ của việc dùng bổ sung chất sắt. Phân màu vàng được coi bất thường khi có vẻ nhờn và bốc mùi trứng ung. Điều này xảy ra khi quá nhiều chất béo ở trong phân đã không được chuyển hóa hết. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh tạng phủ và bất kỳ ai có triệu chứng này được khuyên thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Phân đen có thể do dùng thực phẩm nhiều chất sắt, nhưng cũng có thể báo hiệu hiện tượng chảy máu ở phần phía trên hệ thống dạ dày - ruột và có khả năng khởi phát từ một khối u hoặc chỗ loét”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Trẻ em thường gặp hiện tượng phân dính chút máu tươi thường gặp ở trẻ táo bón, phải rặn khi đi ngoài. Phân lẫn máu hoặc nhầy có thể là dấu hiệu mắc bệnh nhiễm trùng. Đó cũng có thể là biểu hiện của chứng viêm ở đại tràng hay trực tràng. Nếu bé đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch thì cần đưa đi khám ngay, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện đau dữ dội ở bụng và trông rất nhợt nhạt. Đây có thể là biểu hiện của chứng tắc ruột.

Các bác sĩ khuyên, cần đưa bé đi khám khi:

– Trẻ có vẻ mệt mỏi, màu sắc phân không trở lại bình thường sau vài ngày.

– Đi ngoài ra máu mà không hề táo bón.

– Phân nhợt màu kéo dài.

– Đi ngoài phân xanh và lỏng, thể trạng mệt mỏi, kèm theo các biểu hiện bệnh lý khác.

– Đi ngoài phân xanh và lỏng trong khi đang bú bình hoàn toàn, không bú mẹ.

Cần đưa trẻ đi khám cấp cứu khi:

– Đi ngoài phân màu đỏ, sền sệt như thạch. Chú ý không cho trẻ ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong khi đợi cấp cứu.

– Da hay lòng trắng mắt bị vàng.

– Nước tiểu sẫm màu (vàng nâu hoặc đen).

– Phân có màu bất thường sau khi dùng thuốc.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn