Đừng để trẻ em lo lắng bị bạo lực ngay trong gia đình mình

16:13 | 24/07/2019;
Đó là ý kiến chung của các chuyên gia tại hội thảo “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, tổ chức ngày 24/7 tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hiệu, phụ trách Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cho biết, trong năm 2018, tổng đài đã can thiệp khoảng 357 ca trẻ em bị bạo lực, tăng 140 ca so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh nổi cộm trong năm vừa qua, trẻ còn thường xuyên bị ngăn cản tiếp xúc với cha, mẹ hay bị sử dụng như một công cụ trả thù đối phương khi ly hôn gây ra tổn hại cho trẻ và bức xúc cho người dân.
 
 
hoithao-1.jpg
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Hiệu, phụ trách Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cho biết, trong năm 2018, tổng đài đã can thiệp khoảng 357 ca trẻ em bị bạo lực, tăng 140 ca so với cùng kỳ năm 2017.

 

Cũng theo ông Hiệu, trong năm 2018, các cuộc gọi tư vấn về xâm hại, bạo lực và kết nối, can thiệp bảo vệ trẻ em chiếm tỷ lệ nhiều nhất, dao động từ 39,8% vào tháng 1 đến 44,9% vào tháng 5 cùng năm.
 
Bà Nguyễn Hải Anh, cán bộ Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD), cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 325 trẻ bị bạo lực, xâm hại. Trong đó, nhiều trẻ phải chịu trừng phạt hà khắc ngay trong chính gia đình của mình.
 
Bà Hải Anh dẫn chứng từ một khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại một xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 8/2018. Trong số 123 trẻ được khảo sát, có tới 94 trẻ khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực gia đình ví dụ bị đánh đòn khi bố say rượu, hoặc bị dọa đánh gãy chân… Một số phụ huynh cũng thừa nhận sẽ phạt thật nặng khi trẻ mắc lỗi, hoặc bướng bỉnh cho rằng “con tôi, tôi có quyền phạt”. “Đây là con số rất đáng buồn. Trẻ phải lo lắng về bạo lực ngay trong chính gia đình của mình”, bà Hải Anh nói.
 
 
baolucgiadinh.jpg
Cần thay đổi tâm lý trừng phạt trẻ của các bậc cha mẹ bằng cách chỉ rõ hậu quả tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong giáo dục. 

 

Tâm lý “thương cho roi cho vọt” và “đòn roi giúp trẻ nên người” vẫn còn phổ biến khiến trẻ phải chịu sự trừng phạt, bạo lực ngay từ trong gia đình. Các chuyên gia về trẻ em nhận định đây là một thực trạng đáng buồn cần phải thay đổi ngay.
 
Để bảo vệ trẻ em, Công ước CRC đã đưa ra 5 biện pháp truyền thông gồm tạo ra môi trường tích cực và lắng nghe ý kiến của trẻ; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề trẻ em, bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bảo vệ trẻ em; lưu ý, nhắc nhở những người có trách nhiệm hoặc đặt vấn đề với Chính phủ và các thành phần khác trong xã hội trong việc quan tâm tới các vấn đề mà trẻ em gặp phải…
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hải Anh, trước hết cần thay đổi tâm lý trừng phạt trẻ của các bậc cha mẹ bằng cách chỉ rõ hậu quả tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong giáo dục.
 
Đại diện MSD cho rằng, gia đình là tế bào của xã hội, góp phần rất lớn giáo dục trẻ nên người. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, trẻ sẽ bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần. Trẻ có thể phải chịu những vết thương nặng nề, trí não bị ảnh hưởng, đòn đánh nặng có thể khiến trẻ bị tàn tật hoặc nguy hiểm tới tính mạng. Về tâm lý, tinh thần, đòn roi không có tác dụng giáo dục mà còn khiến trẻ thấy lẫn lộn, không hiểu rõ về sự việc, có tâm lý lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã; hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của trẻ; làm trẻ tức giận và mong muốn trả đũa hoặc tìm cách lừa dối người lớn…
 
Bên cạnh đó, đề cập tới vai trò của báo chí, bà Hải Anh cho rằng truyền thông không nên coi việc trừng phạt trẻ là việc nội bộ của gia đình, nhà trường để có sự can thiệp chính xác, kịp thời. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn