Đừng khiến con tổn thương vì nhận xét từ người ngoài

23:37 | 15/07/2016;
Mỗi khi có ai chê con học kém, nghịch ngợm… không ít bố mẹ chọn cách xóa nỗi xấu hổ bằng việc tạo áp lực cho con.
xauho5.jpg
Chỉ cần nghe người khác chê con, nhiều bố mẹ mắng chửi con không tiếc lời. Ảnh minh họa internet.

Khi đi đón con, nghe cô giáo “kể tội”: “Nói thật là tôi hết cách với con chị rồi, chị xem có cách nào không chứ cứ thế này thì ảnh hưởng đến cả lớp” khiến chị Dương Huyền Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) rất xấu hổ. Trên đường đưa con về, chị quát tháo ầm ĩ, thậm chí tát, dúi đầu, véo tai và mắng con: “Mày thấy chưa, mày để mẹ bị cô giáo nói như thế à? Về nhà, mày chết với mẹ, con với chả cái…”. Nghe thế, đứa con sợ hãi, mặt cúi gằm suốt cả chặng đường về.

Ra ngoài nghe hàng xóm nói: “Con chị nghịch quá, ở nhà cháu có thế không?”, chị Huyền Anh có cảm giác bị chê bai không biết dạy con. Bực mình, chị kéo con xềnh xệch và mắng không tiếc lời: “Cái thằng này, về nhà ngay, đi đến đâu mày cũng khiến mẹ xấu hổ không biết trốn vào đâu”. Con đang chơi liền ngơ ngác chống đỡ, không hiểu chuyện gì xảy ra.

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, trẻ con thì làm gì áp lực vì chúng chỉ việc ăn, chơi và học. Trong khi đó, bố mẹ  đủ thứ lo về cơm áo gạo tiền… Thế nên khi các con mắc lỗi, hoặc bị ai đó phê bình, các cha mẹ  cho mình quyền đổ tức giận lên đầu “thủ phạm”.  Đương nhiên, con trẻ sẽ bị tổn thương vì những kiểu nói dữ dằn đó.

xauho1.jpg
Thực tế, những lời đe dọa sẽ khiến con có tâm lý bất an, lo lắng, căng thẳng. Ảnh minh họa internet.

Tâm lý trẻ em chưa đủ chín chắn, dày dạn như người lớn nên rất dễ bị kích động. Ngay một cụm từ bất cẩn trong lời nói của cha mẹ cũng có thể “ghi dấu” vào não và tác động tiêu cực lên hành vi của trẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kĩ năng sống Wedo - Wegood), cha mẹ nghe lời phê bình từ người khác nhưng không nên nóng vội. Bình tĩnh hỏi han con và cùng con nhận diện: Nên - không nên, đúng - sai, cách khắc phục. Bởi, trẻ con thì phải sôi nổi và hiếu động quá thì chỉ là con vui quá, ham chơi quá mà thôi; không có đứa trẻ nào có vấn đề chỉ vì con không giống các bạn; trẻ mắc lỗi chỉ đơn giản vì con không biết, không hiểu; con có nhược điểm giống như mọi trẻ em khác trên đời...

Những lời đe dọa: “Nếu con lặp lại sai lầm, bố mẹ sẽ không yêu con nữa”, “Đừng làm bố mẹ xấu hổ”, “Bố/mẹ sẽ trừng phạt con”, “Con thật vô dụng, đáng lẽ con không nên có mặt trên đời này” có làm cho các bố mẹ cảm thấy lòng nhẹ nhõm, đỡ xấu hổ hơn? Câu trả lời là không và không chỉ bản thân cha mẹ mệt mỏi khi quát mắng con mà nghiêm trọng những áp lực đó dồn lên trẻ sẽ đến lúc thành những hành vi tiêu cực. Hãy dừng cách giáo dục này lại, nếu bạn không muốn sau này phải hối hận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn