Theo bác sĩ Anh Nguyễn (Vương quốc Anh), cách nói chuyện của cha mẹ có thể quyết định trẻ có thành công hay thất bại trong cuộc sống sau này, thậm chí mang nhiều ảnh hưởng trong cách nhận thức khi trẻ lớn lên.
Chính vì vậy, cha mẹ cần kiểm soát những lời nói với con. Cha mẹ hãy đếm 1-2-3 trong đầu để có thời gian suy nghĩ và thay đổi lời nói khi dạy dỗ bé. Dừng 3 giây, nhưng thực sự cha mẹ sẽ làm thay đổi cuộc đời của trẻ sau này. Lời nói cha mẹ nói ra sẽ không bao giờ rút lại được. Do đó, hãy dùng lời nói tích cực và có tính khuyến khích, hơn là những lời khen sáo rỗng hoặc la mắng vô cớ.
Đây là những câu nói thông thường ở những tình huống mà nhiều cha mẹ dễ mắc phải và nói theo bản năng/thói quen. Chỉ cần 3 giây, cha mẹ có thể thay đổi cách nói và thay đổi cuộc đời của bé.
Sao con không được như anh/chị vậy?
Một sự thật là, nếu 2 bé có tuổi chênh nhau quá ít (< 2 tuổi) thì trẻ thứ 2 sẽ ít có cơ hội phát triển như trẻ thứ 1 nếu cha mẹ không chú ý trong giao tiếp với 2 bé. Việc so sánh 2 bé dù có chênh lệch độ tuổi như thế nào cũng đều không nên. Cha mẹ cần phải hiểu rằng: Mỗi bé sẽ cần có một không gian phát triển khác nhau. Điều này cũng không nên so sánh bé với anh chị họ hoặc bạn bè. Sự tự ti là hậu quả của việc "thấm" những lời so sánh này.
GS.Katherine Kersey, ĐH Old Dominion khuyên cha mẹ nên thay đổi cách nói khác, thay vì chỉ trích đứa trẻ nhỏ hơn, bạn hãy nói rằng: Anh của con đang làm tốt, mẹ nghĩ anh có thể giúp con khi con gặp khó khăn, được chứ? Cũng đừng bao giờ nói với anh/chị của bé như: "Con phải luôn làm gương tốt cho em!". GS. khuyên cha mẹ nên nói với anh/chị của bé như: "Con nên trông coi em, giúp em làm tốt nhất như con đang làm".
Con lớn phải nhường em!
Khái niệm "nhường em" là khái niệm rất khó hình dung đối với các bé nhỏ. Không như người lớn, trẻ con chưa có đủ nhận thức phải nhường, cho đến khi chúng có đủ nhận thức về sự đủ. Đôi lúc người lớn cũng chưa nhận thức tốt về "sự đủ" để nhường. Đối với trẻ nhỏ, thay vì nhường thì hãy dạy bé biết cách "đến lượt" hay gọi cách khác là biết "chia sẻ".
Dạy trẻ biết cách chia sẻ và đợi đến lượt là giúp trẻ dễ hòa nhập vào những giao tiếp xã hội. TS. Carl P. từng hướng dẫn cha mẹ: Bây giờ, chúng ta sẽ cần đến lượt để chơi/cầm món đồ này, vậy lượt đầu tiên là bé nhỏ, đến bé lớn và mẹ (mẹ là người trung gian, để giải quyết tình huống trong chia sẻ).
Đưa đây, để mẹ làm!
Việc trẻ nhận ra "công việc cần mẹ làm" thì bé sẽ không bao giờ cần sáng tạo và suy nghĩ khác. Tốt nhất, bạn nên cho trẻ có không gian nhận ra cái mới, tự do quyết định. Vậy vai trò của bạn là gì? Đừng để vở diễn chỉ có bạn, mà vở diễn cần có bé. Bạn sẽ giúp bé gợi mở bằng những câu hỏi và để bé trả lời. Đừng lo lắng nếu câu trả lời của bé lạ đời, sai thực tế hoặc không giống ai.
Con ra rìa rồi, mẹ đã có em bé mới
Việc có thành viên mới, cha mẹ cần thông báo cho bé, nhưng không phải theo cách này. Tôi biết bạn nghĩ nó vô hại vì trẻ quá nhỏ để biết. Nhưng thực sự, nó không hề vô hại vì trẻ sẽ có đủ nhận thức là "mất tình yêu" của bạn.
Bạn có thể dành thời gian giúp bé biết sự có mặt của thành viên mới từ lúc bạn mang thai. Thường xuyên cho bé nghe tiếng đập của thai và ngày đầu tiên để 2 bé gặp nhau, bạn nên nói với bé: Em của con đang mong muốn nhìn thấy con và hãy lại đây với em!
Lại nữa, lúc nào con cũng hậu đậu
Không có đứa trẻ hậu đậu, chỉ có cha mẹ chưa dạy chúng đủ và làm tốt vì trẻ học từ bạn, và cũng từ tính kiên nhẫn của bạn. Luôn chỉ trích việc bé làm sai, là bạn đang làm bé mất hứng thú với điều đáng lẽ bé cần cố gắng hơn.
Thay vì chỉ trích, bạn hãy hỏi: Mẹ biết con đã cố gắng, nhưng có lẽ có vài chỗ chưa đúng, con có thể cho mẹ biết chỗ nào con chưa hiểu.
Đối với trẻ nhỏ: Bạn hãy lặp lại quy trình dạy cho bé và hỏi những câu hỏi liên quan để tìm ra điều bé làm chưa đúng.