Đường đến viện không xa khi thưởng thức sushi lề đường

14:22 | 09/04/2016;
Sushi thường được xem là món “sang chảnh” chỉ ăn trong nhà hàng. Việc món ăn này "đổ bộ" ra vỉa hè, phục vụ cả đối tượng khách hàng "bình dân" dễ tính, có thể dẫn tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh.

Thực phẩm tươi sống như sushi chỉ thích hợp để ăn trong nhà hàng, quán ăn đảm bảo vệ sinh, bởi điều kiện bảo quản thực phẩm nguyên liệu là hết sức "nghiêm cẩn". Nếu không thì những thực phẩm nguyên liệu tươi sống có thể bị nhiễm khuẩn, hư hỏng.
Nhưng hiện nay trào lưu ăn “sushi vỉa hè” đang rất thu hút các bạn trẻ. Vào buổi chiều tối, xe đẩy, quầy hàng lưu động bán sushi lề đường luôn tấp nập. Theo chủ một quán sushi trên lề đường Him Lam, Q.7 vào những ngày cuối tuần quán có 80 bàn nhưng luôn đầy khách. Theo đó, chỉ với 150.000đ bạn đã có thể thưởng thức được nhiều loại sushi, sashimi như trong nhà hàng với đủ loại cá như cá hồi, cá trích, cá ngừ, lươn, bạch tuộc, trứng cá, sò đỏ,..

1.jpg
 Món ăn "sang chảnh" được chế biến trong điều kiện khó đảm bảo an toàn vệ sinh.

Những quầy hàng này luôn để thực phẩm tươi sồng trong tủ lạnh, khi nào khách gọi mới chế biến và người bán hàng luôn mang bao tay khi cuộn cơm. Tuy nhiên, đó chỉ mới là phần khách hàng nhìn thấy được, còn chất lượng thực phẩm thì chỉ có người bán mới biết chính xác. Các xe bán sushi lề đường thường chật chội, tạm bợ, thức ăn chín và sống để kế nhau. Người bán cuốn sushi, làm cả sashimi, đôi khi kiêm luôn phục vụ thậm chí cả thối tiền cũng chỉ với một đôi bao tay.

Tủ lạnh dùng chung cho cả rau củ và thực phẩm tươi, đặt “bí ẩn” dưới quầy, độ lạnh bao nhiêu và thực phẩm xếp ra sao khách không thể thấy. Tại một quầy sushi trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), phía trước đặt đủ loại thùng đựng vật dụng sát mặt đường trông rất lộn xộn. Khi được hỏi nguyên liệu lấy từ đâu, chủ tiệm sushi này chỉ nói chung chung là nhập từ Thái Lan, Nhật.

2.jpg
 Chỉ với 55.000đ bạn đã có đĩa sushi cá hồi, tôm, trứng đầy ắp.

Bạn X.Lan (Nhà Bè) đang ngồi ăn cũng cho rằng: “Sushi vỉa hè thì “tiền nào của đó”, chất lượng không thể đòi hỏi như nhà hàng”. Tuy nhiên, thực phẩm tươi sống không thể thưởng thức kiểu “ngon là được” mà phải bảo đảm vệ sinh.

Với các loại cá tuyết, cá trích, cá thu, cá hồi… nếu ăn sống hoặc nấu chưa chín rất dễ nhiễm giun tròn Anisakis simle gây bệnh đường ruột, nguy hiểm hơn ấu trùng di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác đặc biệt như não bộ, mắt có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Ngoài ra còn có thể gây nên hiện tượng ngộ độc như nôn mửa dữ dội, tiêu chảy hoặc phát ban. Thủy hải sản nếu bảo quản, chế biến trong điều kiện không thích hợp về nhiệt độ, độ pH... sẽ nhiễm vi sinh vật lysteria và sinh ra độc tố histamine. Histamine là loại độc tố chịu được nhiệt, dù nấu chín hay đóng hộp qua thanh trùng, vẫn không bị phá hủy, ăn vào dễ gây dị ứng với các biểu hiện nổi mẩn đỏ, đau đầu, mặt đỏ bừng, chóng mặt… Lysteria chịu được nhiệt độ thấp, rất dễ sinh sôi phát triển dù thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh, người bình thường ăn vào bị ngộ độc, còn phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai.

3.jpg
 Bậc thềm của một công ty là nơi để khay đựng sushi và sushi làm sẵn.

Theo Th.S, BS Nguyễn Hữu Thịnh, Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: ”Ăn thực phẩm đường phố bẩn có 2 nhóm nguy cơ: thực phẩm bị nhiễm bẩn (lên men, độc tố vi khuẩn) có thể gây ngộ độc thức ăn cấp tính biểu hiện là đau bụng, nôn ói và tiêu chảy, có thể có sốt hoặc không,…Nguy cơ muộn: thường là do các hoá chất được tẩm, ngâm trong thực phẩm, loại mà ảnh hưởng của nó đến sức khoẻ con người chưa lường trước được. Nó có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, gây quái thai đối với phụ nữ mang thai, gây ảnh hưởng phát triển thể chất đối với trẻ nhỏ và nhiều nguy hại khác. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm thì người dân tránh ăn ở những quán hàng không đảm bảo vệ sinh, không ăn những đồ ăn bán dạo vì những nơi này thức ăn rất dễ nhiễm khuẩn”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn