Chị Thái Trang ở Hà Nội là một người có đam mê với việc nấu ăn, mới đây chị đã quyết định khởi nghiệp với thương hiệu đồ ăn homemade được khá nhiều mẹ bỉm sữa biết tới. Với chị, mỗi món ăn đều chất chứa một câu chuyện và ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Nhìn bé Nem (1 tuổi) thích thú với đồ ăn mẹ nấu chị lại càng như được tiếp thêm động lực để nấu nhiều món ăn ngon hơn.
Theo lời mẹ Hà Nội chia sẻ, một ngày ngoài việc nấu nướng, vệ sinh cho con, chị luôn dành khung giờ cố định để chơi cùng con, dạy con học, nhưng cũng luyện cho con khoảng thời gian con sẽ chơi tự lập. Việc chơi tự lập khiến con phát huy tối đa khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, không bám dính ba mẹ quá nhiều, tạo tiền đề tốt cho việc đi học sau này.
Dù mới 1 tuổi nhưng bé Nem có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc và ẩm thực. Mỗi buổi sáng thức dậy, mẹ và bé hay nghe những bài hát sôi động, giờ đọc sách hay tắm hoặc trước khi đi ngủ, 2 mẹ con lại nghe nhạc không lời. Bởi vậy từ khi được 3 tháng, bé đã có phản xạ cảm thụ âm nhạc khá rõ nét.
Về phía chị Trang cũng rất hay mày mò làm những món ăn mới để làm phong phú bữa cơm gia đình, và thay đổi khẩu vị cho bé. Có lẽ biết mẹ dành nhiều tâm sức nên bé rất hợp tác với mẹ trong việc ăn uống.
Với chị, nấu ăn vừa là thiên chức của người vợ, người mẹ, vừa là thời gian để mình thư giãn, thoả sức sáng tạo trong 1 ngày làm việc căng thẳng. Công thức chế biến chị học hỏi qua các mẹ khác trên cộng đồng mạng xã hội, xem các chương trình ẩm thực của nước ngoài và sáng tạo từ thực tế vào bếp của bản thân.
Từ khi bắt đầu cho bé ăn dặm ở tháng thứ 6, chị luôn giữ vững 7 nguyên tắc sau:
1. Xây dựng cho con 1 lịch sinh hoạt hợp lý. Bữa ăn và giấc ngủ luôn là 2 yếu tố song song. Con được ngủ đủ sẽ có tinh thần vui vẻ và hào hứng với bữa ăn.
2. Khoảng cách giữa các bữa ăn hợp lý theo từng giai đoạn phát triển. Nếu mẹ sắp xếp các bữa ăn quá dày, con chưa có cảm giác đói, thì sao con hào hứng với bữa ăn được. Chưa kể là 1 loạt các hệ luỵ vấn đề tiêu hoá về sau.
3. Thiết lập kỷ luật bàn ăn ngay từ đầu. Không ăn rong, không máy tính bảng, ti vi, đồ chơi. Đặt con vào ghế ăn của con.
4. Tuyệt đối không bù sữa, không ăn vặt. Mẹ hãy để con biết cảm giác đói, con sẽ biết yêu đồ ăn.
5. Chế biến món ăn đa dạng và trang trí bắt mắt để tạo hứng thú cho con với bữa ăn.
6. Cho con trải nghiệm quá trình chế biến đồ ăn. Mỗi khi chế biến, mẹ thường giới thiệu với con về các nguyên liệu. Ví dụ: “Nem ơi, đây là con tôm, hôm nay mẹ sẽ làm món cháo tôm cho con nhé!” Hoặc: “Quả cam này nhìn thật ngon Nem nhỉ, mẹ sẽ làm nước cam cho con uống nhé.”
7. Không ép con ăn, tôn trọng nhu cầu của con. Bé sẽ có những giai đoạn biếng ăn sinh lý, đau ốm, hay đơn thuần là tâm trạng hôm đó của con không vui và con không thích ăn. Hãy tôn trọng và thấu hiểu nhu cầu của con.
Mẹ có thể yêu chiều con, nhưng những gì thuộc về nguyên tắc để khiến con có thói quen tốt, đặc biệt trong việc ăn uống thì cần kỷ luật thép một chút với các bạn nhỏ.
Giới thiệu tới các mẹ một vài thực đơn của mẹ Nem:
Món 1: Bánh rau củ mix thịt băm
Chắc hẳn các mẹ luôn đau đầu vì bé lười ăn rau và gây táo bón trong quá trình ăn dặm. Cách xử lý của mẹ là sẽ tìm các món “độn rau” nhiều nhất có thể, mà vẫn hợp khẩu vị của con.
Nguyên liệu:
- Thịt heo băm nhuyễn
- Súp lơ trắng, súp lơ xanh, cà rốt, hành lá
- Lòng đỏ trứng gà (có thể dùng cả lòng trắng với bé trên 1 tuổi)
- Yến mạch cán mỏng
- Bột mì hữu cơ
Chế biến:
- Yến mạch ngâm nước 15p cho mềm, rồi chút sạch nước.
- Các loại rau rửa sạch, băm nhỏ tuỳ độ ăn thô của bé các mẹ điều chỉnh. Cho vào lò vi sóng bắn nhiệt cao 3 phút.
- Trộn đều hỗn hợp rau, thịt, lòng đỏ trứng, yến mạch. Thêm chút xíu bột mì để bánh không bị nát. Lưu ý chút xíu thôi không bánh bị đanh cứng.
- Làm nóng chảo, phết 1 lớp bơ mỏng hoặc dầu ăn. Dùng bơ sẽ ngậy ngon hơn. Lưu ý dùng bơ lạt cho con dưới 1 tuổi.
- Trút bánh vào chảo, chiên nhỏ lửa tới khi bánh vàng đều.
Món 2: Chả lươn
Mẹ Nem rất thích lươn bởi lươn không những giàu dinh dưỡng mà còn dễ chế biến. Có thể xào, om, nấu canh, nấu cháo, miến đa dạng món ăn cho con đổi vị.
Không chỉ làm chả lươn, mẹ Thu Trang còn làm các món chả khác, trong đó có chả đậu gà.
Nguyên liệu:
- Lươn làm sạch.
- Cà rốt, hành lá, thì là.
- Yến mạch cán mỏng.
- Bột mì hữu cơ hoặc loại thường tuỳ điều kiện.
Chế biến
- Lươn làm sạch, hấp sơ, gỡ lấy thịt, lấy thìa dằm nhỏ thịt. Các mẹ lưu ý cẩn thận không để dính xương gây hóc cho con.
- Cà rốt rửa sạch, băm nhỏ.
- Hành lá, thì là rửa sạch, băm nhỏ. Thì là cho một chút nếu không sẽ bị hắc. Những loại rau gia vị này các mẹ chỉ thêm 1 chút vào món ăn cho bé làm quen chứ không nên lạm dụng.
- Yến mạch ngâm nước 15 phút cho mềm, trút hết nước.
- Trộn đều lươn, yến mạch, cà rốt, hành lá và thì là, cho thêm chút bột mì.
- Nặn thành hình và cho vào hấp sơ.
- Trước khi ăn áp chảo vàng đều là được.
Món 3: Cá hồi sốt cam - Cho bé từ 8 tháng trở lên
Nguyên liệu:
- Cá hồi Nauy
- Măng tây hoặc Bông cải xanh
- Tỏi, bơ lạt, bột năng hữu cơ, dầu ăn
Chế biến:
- Cá hồi lọc bỏ da, ngâm sữa tươi không đường 10 – 15 phút khử tanh. Vớt ra thấm khô, không rửa lại, thái miếng vừa ăn. Áp chảo vàng 2 mặt.
- Măng tây lấy phần non, rửa sạch, áp chảo cùng cá hồi. Nếu dùng bông cải xanh các mẹ hấp sơ bông cải trước.
- Cam vắt lấy nước, hòa chút xíu bột năng.
- Đun nóng chút bơ lạt, phi thơm tỏi, đổ nước cam vào đun sôi lăn tăn 1 lúc là được.
- Bày cá hồi, măng tây lên đĩa, rưới sốt là có thành phẩm.
Món 5: Bánh quinoa rau củ
Nguyên liệu:
- Hạt quinoa (hạt diêm mạch), bột mỳ hữu cơ
- Rau củ: cà rốt, súp lơ xanh, hành tây... (các mẹ có thể thay thế các loại rau củ khác)
- Thịt heo băm (hoặc cá hồi vụn), 1 quả trứng gà (lòng đỏ với bé dưới 1t)
- Bơ lạt hoặc dầu ăn
Chế biến:
- Quinoa ngâm 2 - 3h rồi luộc hoặc hấp cho nở bung
- Phi thơm hành tây băm nhỏ, cho thịt heo vào đảo sơ.
- Rau củ hấp sơ, thái nhỏ.
- Trộn quinoa, rau củ, thịt, trứng và thêm bột mỳ đến khi sền sệt.
- Làm nóng chảo, cho bơ lạt vào tan chảy, đổ hỗn hợp vào khuôn chiên vàng 2 mặt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn