"Ông lớn" ngành tôn mạ tham gia thị trường chứng khoán
Cuối tuần qua, Tôn Đông Á đã "chào sân" thị trường chứng khoán tại sàn UPCoM vào ngày 7/9, với gần 115 triệu cổ phiếu GDA ở mức giá khá cao so với các cổ phiếu cùng ngành.
Chốt phiên đầu tiên, GDA tăng mạnh hơn 15%, từ 30.000 đồng lên mức 34.700 đồng/cp. Vốn hóa đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, nằm trong top 5 công ty thép niêm yết có vốn hóa lớn trên sàn.
Tới phiên cuối tuần ngày hôm qua, GDA chỉ giảm nhẹ ở mức không đáng kể (0,58%), xuống 34.500 đồng/cp.
Thông tin GDA lên sàn thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là trong giới đầu tư, đánh dấu cho "bộ 3' doanh nghiệp ngành tôn lớn nhất đều đã có mặt trên sàn.
Tôn Đông Á được biết đến là doanh nghiệp tôn mạ lớn thứ hai Việt Nam tại thị trường nội địa về sản lượng kinh doanh. Thành lập vào tháng 11/1998, Tôn Đông Á có tiền thân là Công ty TNHH Đông Á. Tới năm 2004, công ty đổi tên thành Công ty TNHH Tôn Đông Á. Năm 2009, Tôn Đông Á chuyển từ hình thức Công ty TNHH sang CTCP.
Lợi nhuận "rung lắc" liên tục
Liên quan đến tình hình kinh doanh của Tôn Đông Á, khảo sát 7 năm đổ lại, lợi nhuận của GDA biến động tăng giảm liên tục.
Những năm 2016, 2017 lợi nhuận duy trì ở mức cao trong khoảng 400-500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới năm 2018 bắt đầu cho sự sụt giảm đáng kể, thậm chí xuống mức âm, mặc dù doanh thu vẫn ghi nhận ở mức cao.
Dẫn đến hiện tượng này, chủ yếu đến từ việc giá vốn hàng bán tăng cao, các chi phí: bán hàng, quản lý, tài chính cũng tăng đáng kể, khiến lợi nhuận giảm.
Doanh thu thuần của GDA những năm gần đây
Biến động mạnh nhất có lẽ là thời điểm 2 năm 2021 và 2022, khi một năm lợi nhuận thu về ở mức "khủng", nhưng ngay sau đó, năm 2022, GDA lại lỗ lớn.
Năm 2021, GDA đánh dấu mức tăng trưởng cao đột biến, đạt lợi nhuận lên tới 1.210 tỷ đồng. Kết quả này đến từ doanh thu thuần tăng mạnh, cán mốc 25.262 tỷ đồng.
Song, tới năm 2022, GDA bất ngờ công bố "lỗ" gần 280 tỷ đồng. Nguyên do đến từ phần lỗ trong 6 tháng cuối năm, bởi, trong 6 tháng đầu năm, GDA vẫn đạt mức tăng trưởng cao là 330,4 tỷ lợi nhuận.
Giải trình cho biến động bất thường này, GDA cho biết, giá nguyên vật liệu thép giảm liên tục, tình hình kinh tế thế giới đã đẩy giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng đáng kể. Đồng thời, biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao so với năm trước.
Diễn biến lợi nhuận GDA những năm gần đây
Quay trở lại năm 2023, 6 tháng đầu năm nay, GDA ghi nhận dấu hiệu tích cực, kỳ vọng cho sự hồi sinh trở lại, bù cho phần lỗ năm ngoái.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận của GDA cán mốc 204,3 tỷ đồng, con số này đã vượt qua kế hoạch lợi nhuận cả năm mà công ty đặt ra, là 200 tỷ đồng.
Tôn Đông Á ghi nhận đạt tổng sản lượng kinh doanh 377.000 tấn; tổng doanh thu là 8,734 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt là 50% và 51% kế hoạch cả năm.
Mặc dù, so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm giảm đáng kể, theo GDA lý giải, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu toàn cầu chưa phục hồi. Song, ở khía cạnh khác, đây là kết quả khả quan so với nửa cuối năm 2022.
Ngoài ra, tổng tài sản hiện tại đạt 10.339 tỷ đồng, tăng nhẹ 34 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn đến từ các khoản vay ngắn hạn và dài hạn, chiếm 64,6%; vốn chủ sở hữu chiếm 35,4%.
Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 99% tổng số nợ hiện tại, đa số là từ số tiền phải trả cho người bán và số tiền vay, nợ thuê tài chính từ các ngân hàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn