Giá rét làm bệnh viện đông lên

16:41 | 25/01/2016;
Đợt rét với nền nhiệt độ giảm kỷ lục trong vòng hơn 30 năm qua khiến tại các bệnh viện ở Hà Nội, lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai hai ngày nay trong tình trạng quá tải. Lượng bệnh nhân đổ về cấp cứu khá đông. Bên cạnh bệnh nhân cấp cứu do rét có cả bệnh nhân cấp cứu vì các bệnh khác. Các bác sĩ trực của khoa thay nhau 24/24 nhưng không hết việc. Nhóm người dễ bị tác động nhất trong thời rết rét đậm những ngày qua là: người cao tuổi, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính… Sau khi được cấp cứu bệnh nhân được chuyển đến các khoa chuyên môn để tránh quá tải cho khoa cấp cứu.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, sáng 25/1 lượng bệnh nhân khá đông. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, số trẻ nhập viện tăng khoảng 30% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150-180 trẻ nhập viện. Dự báo nếu rét còn kéo dài số trẻ nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, sốt virus.

Trẻ con đổ bệnh vì rét. Ảnh chụp tại Bệnh viện Bạch Mai sáng 25/1

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 ngày rét đậm vừa qua có hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Số bệnh nhân bắt đầu tăng nhưng không dồn dập. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người già, người mắc bệnh mãn tính. Hiện 45 giường bệnh khoa Hồi sức tích cực kín chỗ.

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện những ngày qua đang có dấu hiệu tăng nhưng chưa mạnh. Mỗi ngày có khoảng 1.500 đến thăm khám, tăng 15-20% so với bình thường. Như các năm khác, nếu rét kéo dài hàng tuần trẻ nhập viện sẽ tăng ồ ạt sau đó.

TS Dương Đức Hùng khuyến cáo, bệnh nhân huyết áp cao phải đặc biệt cẩn thận, vì trời rét, các mạch máu co lại là một nguyên nhân khiến huyết áp tăng, các biến chứng có thể xảy ra. Nếu đang ở trong chăn ấm ra ngoài đột ngột, gặp cơn gió lạnh, đi tiểu... cơ thể sẽ bị mất thêm nhiệt. Khi đó với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như: vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mãn tính rất cần các hoạt động thể lực.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời tiết chuyển mùa đông - xuân thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… ảnh hưởng đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với những người sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp. Đây cũng là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan như bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Trong dịp lễ, Tết nhu cầu giao lưu, đi lại và tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, vì vậy, mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh trong dịp Tết.

Người lớn cũng đổ bệnh. Ảnh chụp tại khoa Hồi sức - Bệnh viện Bạch Mai sáng 25/1

Người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu. Hạn chế đến những chỗ đông người. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

Trẻ mới sinh gặp rét viêm phổi phải nhập viện

 
Gia súc, gia cầm chết vì rét

Nhiệt độ các tỉnh miền Bắc vẫn ở mức thấp, nhiệt độ cao nhất không quá 12 độ C. Khu vực vùng núi cao như Điện Biên, Lào Cai vẫn có nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Do không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn một số tỉnh miền núi đã gây ra rét đậm, rét hại, nhiều địa phương đã ở mức kỷ lục, kèm theo mưa tuyết trên diện rộng gây thiệt hại về cây trồng, vật nuôi.

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tại tỉnh Lào Cai và Yên Bái,  tính đến hết ngày 24/1 đã có thiệt hại  do rét. Về sản xuất: 65 con gia súc bị chết (Lào Cai 44 con, Yên Bái 21 con); 205 ha hoa màu bị ảnh hưởng tại Lào Cai; 217 ha cây công nghiệp ngắn ngày của Lào Cai bị ảnh hưởng.

Về giao thông, đoạn từ Km89 đến Km92, Quốc lộ 4D (Lào Cai đi Lai Châu) mặt đường đóng băng với chiều dày trung bình 3÷5cm, trời nhiều mây mù, gây ách tắc giao thông; Sở Giao thông vận tải, Công an các tỉnh Lào Cai, Lai Châu phối hợp tổ chức phân luồng, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo giao thông qua khu vực.

Toàn tỉnh Lạng Sơn có 123.000 con trâu, 33.600 con bò, 364.000 con lợn gần 4 triệu con gia cầm, đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. Tại tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 con gia súc như dê, bò, nghé đã bị chết rét. Tại tỉnh Yên Bái, các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn đã xuống tới mức âm 3 độ C, khiến cho 8 con trâu của người dân đã bị chết. 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn