Chị Lê Hoa một đầu mối chuyên bán hàng đặc sản online ở Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ rằng: "Sâu tre là đặc sản rừng ở Sơn La quê mình. Từ nhỏ mình đã biết tới sâu tre (sâu măng). Ngày đó đi học về, tới bữa được bố mẹ chiên sâu tre cho ăn là mình thích lắm. Sâu tre vào mùa béo ngậy, trắng nõn, thân to bằng đầu đũa, dài bằng 2 đốt ngón tay".
Chị Hoa kể, thời điểm đầu tháng 9 âm này sâu lớn đúng độ ăn là ngon nhất. Tới mùa người dân địa phương những vùng núi ở Sông Mã, Mai Sơn sẽ vào rừng tìm bắt sâu tre.
Tuy nhiên không phải cây tre (cây măng) nào cũng có sâu. Theo chia sẻ của những người đi rừng, có kinh nghiệm bắt sâu tre thì chỉ những cây tre có dấu hiệu héo ngọn, đốt tre bị co lại, chuyển màu khác thường thì chắc chắn bên trong thân có sâu.
Nếu không phải người dân địa phương, hoặc người "yếu bóng vía", nhìn đàn sâu tre trong thân cây sẽ thấy rợn người. Còn với những người dân bản địa thì những tổ sâu tre ấy lại là món "sơn hào" ngon khó cưỡng.
"Quê mình, bà con đi bắt sâu tre về chủ yếu chế biến thành mấy món như rang lá chanh, làm nộm hoa chuối, hoặc chiên lên ăn cũng béo ngậy vô cùng. Mình cũng mới chuyển sâu tre xuống Hà Nội bán 3 năm nay thôi.
Do 1 lần về quê, mình được bố mẹ làm cho món này liền chụp ảnh đăng lên facebook khoe. Người từng ăn thì ibox nhờ mua giúp, người lần đầu nhìn thấy thì tò mò muốn mua ăn thử. Cứ thế khách mua nhiều dần lên. Mình còn liên hệ bán cho nhà hàng, chủ yếu là quán bia để làm món nhậu khá đắt khách", chị Hoa kể.
Tiểu thương này cho hay, giá sâu tre khá ổn định luôn dao động trong khoảng 450.000 đồng tới 600.000 đồng/kg. Vì mùa sâu tre rất ngắn, lượng sâu không nhiều nên không phải lúc nào cũng có sẵn hàng. Thường chị nhờ người thân trên quê đi thu gom của các thợ bắt sâu, đặt sẵn của họ hoặc mua ở các chợ phiên miền cao. 1 tuần chị sẽ có 1 chuyến hàng từ 15 kg đến 20 kg sâu.
Để bảo quản được chất lượng sâu, chị Hoa sẽ cho vào túi hút chân không, trữ đông rồi chuyển cho khách. Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, nhà hàng đóng cửa nên chị chủ yếu bán cho khách lẻ. Trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 3kg tới 4kg sâu.
Anh Trúc, chủ một cửa hàng online bán sâu tre nhiều năm kể: "Mình bán sâu tre 4 năm nay rồi. Năm nào mình cũng thu mua vài tạ rồi bán đổ buôn là chủ yếu. Năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng bán ra của mình giảm nhiều. Tuy nhiên sâu tre là món không phải ai cũng ăn được, nhiều người chỉ nhìn thấy rổ sâu lúc nhúc đã rợn người nên không đủ can đảm gắp ăn".
Chị Thúy ở Ba Đình, Hà Nội mới mua 1 kg sâu tre về chế biến món ăn kể: "Mình thấy người ta rao bán sâu tre nhìn cũng sợ nhưng lại tò mò mua thử về rang chanh cho chồng làm mồi nhắm vì thấy ai cũng khen. Thú thực lúc đầu nhìn cũng sợ song ăn thì công nhận ngon, vị béo ngậy, thơm phức, chồng mình thích lắm".
Chị Ngà ở Thanh Trì lại kể: "Mình được 1 người quen ở Sơn La biếu 1 kg sâu tre nhưng chỉ nhìn qua là mình sợ hết hồn, chẳng dám động tới nên cho luôn chị gái rang lá chanh với làm nộm. Thấy chị ấy khen sâu ngon lắm nhưng mình vẫn nhất quyết không dám thử".
Ngoài ra, theo kiến thức Đông y, các loại sâu bọ con trùng khi đã chết thường tiết ra độc tố hoặc trên cơ thể côn trùng có thể bị nhiễm nấm độc, chứa protein lạ... rất dễ gây dị ứng, ngộ độc cho người ăn với những biểu hiện như mẩn ngứa, chóng mặt, buồn nôn... vì vậy khi chế biến phải thật cẩn thận. Những ai thể trạng yếu cần cân nhắc khi ăn những món lạ này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn