Giấu đi đâu tính cách xấu xí?

11:41 | 16/11/2018;
Hình ảnh người đàn bà Úc gốc Việt khắc khổ được đăng tải rộng rãi trên truyền thông thế giới - nghi phạm trong 1 vụ việc kỳ lạ nhất tại Úc năm 2018 - đưa kim vào trong trái dâu tây đã dấy lên những nhận xét về tính cách xấu xí của người Việt.

Bà My Ut Trinh làm việc tại 1 trang trại ở bang Queensland (Australia) đã bị cảnh sát nước này bắt vào ngày 11/11 vừa qua với 7 tội danh liên quan tới hủy hoại hàng hóa. Người đàn bà gốc Việt này phải đối mặt với 10 năm tù. Sự việc bắt đầu khi người dân mua dâu tây và phát hiện có kim ở trong trái dâu. Đã có 1 người nhập viện cấp cứu. Làn sóng sợ hãi ăn dâu tây lan rộng khắp nước Úc, trong khi hiện đang là mùa thu hoạch cao điểm của loại trái cây này khiến các nông trại trồng dâu tây không bán được, phải đổ bỏ.

kim-trong-dau-tay-1-15420094786461524998626.jpg
Bà Trinh được cho là đã gài kim vào dâu tây. Do không hài lòng với chủ trang trại nên bà muốn trả thù người chủ

 

Cảnh sát vào cuộc từ tháng 9 khi ngày càng có nhiều người dân trình báo sự việc tương tự. Theo các cảnh sát, đây là vụ việc khó khăn, phức tạp và kỳ lạ nhất mà họ phải điều tra. Mẫu AND của bà Trinh được phát hiện trong 1 hộp dâu, từ đó phát hiện ra thủ phạm.

 

Bà Trinh cho rằng vì muốn trả thù người chủ, cũng gốc Việt, đã đối xử bất công tàn tệ với mình, nên đã thực hiện hành vi này. Truyền thông thế giới cả tuần nay đưa tin với các bình luận ngạc nhiên nhất mà người ta từng chứng kiến. “Trả thù” kiểu của bà Trinh quá kỳ lạ, và khiến tâm thế cũng như tinh thần người Việt ở khắp nơi bị tổn thương.

 

Vậy, người Việt có tính cách xấu xí thế nào?

 

Tôi có đọc một lời nhận xét của người bạn trên trang cá nhân. Anh là 1 du học sinh tại châu Âu từ những năm 90 của thế kỷ trước, sau đó ở lại làm việc, xây dựng cuộc sống cá nhân ổn định đến tận bây giờ. Anh viết: “Bà Trinh đã tiếp xúc với nền văn hóa văn minh, hiện đại 20 năm nay, mà vẫn còn mang nhiều tính cách Việt!”. Một câu nói khá nhạy cảm, nhiều đụng chạm, nhưng không phải là không có lý.

 

Thế hệ trẻ có cách nhìn nhận và giải thích theo quan điểm của họ và thế hệ đã trưởng thành, thành đạt, đủ trải nghiệm, cũng có cách để lý giải theo lăng kính của mình. Chúng ta sẽ đánh giá thế nào, khi nhiều người Việt qua sinh sống, học tập tại nước ngoài cũng mang tâm lý ngại “giao du” nhiều với những người cùng chung tiếng mẹ đẻ.

1349_10238074-3x2-700x467.jpg
Dâu tây bị gài kim

 

Sự ganh ghét, nỗi tị hiềm, coi thường người yếu thế và ghét bỏ người giỏi giang, được xem như những tính cách xấu xí điển hình của người Việt. Ngay tại trường học trong nước, nếu được chứng kiến những câu chuyện của các ông bố bà mẹ dạy con cái mình phải “chơi” lại bạn bè như thế nào, để không bị thua thiệt hơn, sẽ thấy lỗ hổng về nhận thức, văn hóa và hiểu biết của nhiều người. Đáng buồn rằng, tư duy tiểu nông ấy không phải chỉ có ở người ít học!

 

Hình ảnh của bà Trinh trên truyền thông, 1 người phụ nữ quá khắc khổ, già sọm so với lứa tuổi 50, đã cho thấy cuộc sống nhiều khó khăn vất vả. Bà Trinh qua Úc định cư được 20 năm nay. Khi đi sang đó, bà Trinh chừng 30 tuổi - lứa tuổi đã định hình nhân cách và những suy tính. Chỉ cần nhìn những nếp nhăn quá sớm trên gương mặt người phụ nữ này, cũng đủ hiểu đôi khi các tính xấu được hình thành từ cuộc đời sóng gió mưu sinh. Nhà văn Nam Cao từng viết rằng, nếu người ta đau chân, thì người ta chỉ nghĩ tới cái chân đau của mình, chứ không thể nghĩ tới người khác.

 

Với công việc, vị trí nghề nghiệp và các hiểu biết nông cạn của mình, đương nhiên bà Trinh không thể hình dung được rằng, sự việc trả thù mù quáng của bà đã gây ra nhiều tác hại cực nghiêm trọng. Người nông dân trồng dâu tây tại Úc bị thiệt hại nặng nề. Chính phủ Úc đã phải chi nhiều tiền để hỗ trợ cho ngành nông nghiệp trồng dâu cũng như ngay lập tức thông qua luật thắt chặt hình phạt với những người gây ra các khủng hoảng này lên tới 15 năm tù.

 

Và đương nhiên, bà Trinh lại càng không biết rằng, bà đang gây ra nỗi tổn thương tinh thần nghiêm trọng cho những người Việt sống văn minh, nhân ái khắp nơi trên thế giới. Các bảng hiệu bằng tiếng Việt nhắc nhở giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, xếp hàng không chen lấn, nhắc việc có camera khắp nơi để ngừa việc ăn cắp... tại Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác, dường như làm tăng thêm nỗi xấu hổ của người Việt khi biết trong số những người chung tiếng mẹ đẻ còn không ít người có tính cách xấu xí.

 

Nâng cao ý thức, nhận thức, hiểu biết ngay từ những ngày các em bé tới trường mẫu giáo, có lẽ là việc làm không bao giờ muộn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn