Khi còn nhỏ có nên cách ly con với tiền bạc ?
Chị Kim Xuyến (36 tuổi, Tân Bình), dứt khoát: "Chỉ khi lên cấp 2 tôi mới cho con “biết” đến tiền, con nít mà dính đến tiền sớm thì trước sau gì cũng hư, kinh nghiệm xương máu của ông anh tôi đấy.”
Bé Quang Minh,cháu gọi chị Xuyến bằng cô, học lớp 5. Mỗi ngày Minh được mẹ cho 100 ngàn để ăn sáng và tiêu vặt. Cậu bé dồn tiền vào chơi game điện tử. Hết tiền, Minh nói dối là cần mua thêm sách vở, dụng cụ học tập để xin thêm. Có khi cùng một khoản nhưng cậu xin được đến 4 lần sau khi "gặp riêng" ông, bà, ba, mẹ. Có lần, bà nội Minh còn bắt gặp cháu đích tôn lén rút tiền trong túi bố.
Thấy "tấm gương" trước mắt, chị Xuyến quyết định giữ sự trong sáng cho con bằng việc cách ly con hoàn toàn với tiền. Cậu bé học lớp 3 không được tự ý mua một thứ gì, tiền mừng tuổi mẹ cũng giữ hộ. Muốn mua gì, dù là cục tẩy hay cây kem, cậu bé đều phải nói với mẹ.
Không chỉ Hương, nhiều bà mẹ cũng lo lắng về ảnh hưởng xấu của tiền bạc với con cái. Họ rất băn khoăn về việc lúc nào thì nên cho trẻ biết về đồng tiền và sử dụng nó. Theo các chuyên gia tâm lý thì cho trẻ làm quen với tiền bạc càng sớm càng tốt, ngay khi nhận thấy trẻ có thể hiểu được. Nếu hoàn toàn không biết gì về tiền bạc, trẻ lớn lên sẽ không biết tính toán và trở nên ngô nghê, bị động. Có trường hợp một cô bé nữ sinh lớp 10 không biết xoay sở nhủ thế nào với 100.000đ khi bố mẹ vắng nhà. Cô không biết mua gì, ở đâu vì từ nhỏ đến nay ngoài việc đóng tiền học, mua sách vở thì cô không phải tự mua bất cứ thứ gì cho sinh hoạt cá nhân nên hoàn toàn lúng túng khi tự mua thức ăn cho mình.
Để trẻ nhận biết giá trị của đồng tiền
Anh Xuân Nghiêm (Kiến trúc sư, Q.5) có cách dạy con khá tinh tế. Cô con gái nhỏ xin bố 20.000đ mua cây kem. Khi hai cha con đi mua kem, anh chỉ chị lao công đang quét đường và nói với con gái :”Con nhìn kìa, cô công nhân kia quét đường mệt nhoài cả đêm cũng chỉ được trả có 20.000đ, bằng cây kem của con thôi đó.” Nghe xong cô bé tỏ vẻ hơi sững sờ và có vẻ tần ngần khi mua kem. Anh Nghiêm cho biết, sau này bé đã biết cân nhắc khi xin tiền và biết thương yêu, lo lắng nhiều hơn khi thấy bố mẹ làm việc vất vả.
Một điều chắc chắn rằng con bạn sẽ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu mỗi lần xin là được ba mẹ đáp ứng ngay. Bây giờ khi đến các siêu thị, trung tâm mua sắm, không khó để bạn bắt gặp cảnh một nhóm các em trong độ tuổi học sinh ào vào các quầy ăn uống, giải khát mua đủ loại thức ăn rồi thanh toán với một số tiền lớn mà không cần quan tâm đến giá. Tuy nhiên vấn đề sau đó là không ít em chỉ ăn vài miếng rồi bỏ thừa mứa trên bàn với suy nghĩ đơn giản :”Cứ mua nhiều cho nó thoải mái, ăn hết bao nhiêu thì ăn".
Những cháu bé này không hề có ý niệm gì về giá trị của đồng tiền nên đã không biết quý trọng công sức của bố mẹ ,vì vậy chưa chắc đã biết ơn khi nhận số tiền lớn so với những trẻ khác chỉ được cho 5 ngàn, 10 ngàn nhưng biết tiền ấy do đâu mà có.
Vì vậy, bạn đừng bao giờ cho tiền ngay khi con xin. Nên yêu cầu trẻ nói rõ sẽ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết như thế nào, nếu chính đáng mới đồng ý (nếu không thì phải giải thích cho con hiểu). Chẳng hạn, nếu trẻ bảo muốn mua một con búp bê, bạn hãy hỏi con tại sao muốn có nó trong khi bé đã có những búp bê khác, thứ đồ chơi mới ấy hấp dẫn ở chỗ nào, và có thể yêu cầu bé tỏ ra xứng đáng với món quà (như trong vòng 1 tuần tới luôn tự giác dậy đúng giờ để đến lớp).
Việc sử dụng tiền giúp trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống. Ngoài ra, qua đồng tiền, bố mẹ cũng có cơ hội dạy con biết giá trị của sức lao động và quý trọng lao động. Bạn nên nói cho trẻ hiểu, để có được tiền cho con mua đồ chơi, sách vở..., bố mẹ đã phải làm việc vất vả như thế nào, từ đó trẻ sẽ biết quý đồng tiền và không tiêu pha hoang phí.
Cần dạy trẻ kỹ năng gì ?
- Trả tiền công cho trẻ : Một trong những cách tốt nhất để tạo ra nền tảng về tài chính cho con là trao cho trẻ cơ hội để quản lý tiền khi còn nhỏ. Trả tiền công cho trẻ dạy chúng về giá trị của lao động. Đồ chơi mới, tiền đi chơi với bạn bè, thậm chí là một chiếc xe đạp mới - trẻ phải làm việc, tiết kiệm và tính toán việc chi tiêu của bản thân. Điều này giúp chúng ý thức được giá trị của đồng tiền và học cách tiêu tiền thận trọng khi chúng rời khỏi vòng tay của bố mẹ.
- Để trẻ tự kiểm soát tiền trong thời gian đầu : đừng quá lo lắng về việc trẻ sẽ tiêu tiền thiếu suy nghĩ trong thời gian đầu. Kể cả việc tiêu tiền vào những món đồ không có giá trị cũng sẽ dạy trẻ một bài học về quyết định của mình.
- Khuyến khích trẻ tiết kiệm : hầu hết trẻ sẽ tiêu tiền ngay khi nhận được bất cứ khoản nào từ bố mẹ. Tuy nhiên, để trẻ học được cách lên kế hoạch chi tiêu, bố mẹ nên gợi ý, khuyến khích trẻ tiết kiệm tiền cho những mục tiêu lớn hơn, ví dụ như mua những món đồ có giá trị lớn thay vì những món có giá trị nhỏ. Một trong những cách khuyến khích trẻ tiết kiệm là đưa tiền lãi cho trẻ nếu chúng tiết kiệm.
- Khuyến khích trẻ tìm một công việc phù hợp : một công việc làm thêm có thể giúp trẻ sớm hình dung ra việc kiếm tiền và quản lý thu nhập của mình sau này. Công việc giúp chúng hiểu về trách nhiệm, quản lý thời gian, tính kỷ luật và giá trị của lao động. Có như thế con mới hiểu rằng phải làm việc một tiếng thì em mới đủ tiền mua một ly cà phê đắt tiền. Thậm chí, những công việc làm thêm này còn có thể giúp trẻ sớm tìm ra sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của mình, và có định hướng tốt hơn cho con đường nghề nghiệp của các em sau này.
- Giúp trẻ mở tài khoản ngân hàng : điều này rất có ích khi giúp trẻ có cơ hội thực hành việc quản lý và sử dụng tài khoản ngân hàng dưới sự hướng dẫn và quan sát của bố mẹ.