Theo ghi nhận mới đây của phóng viên Báo PNVN, con kênh thủy lợi chảy qua thôn Viễn Lai nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, từng lớp bọt khí phủ kín bề mặt kênh. Hai bên bờ là những đường ống chĩa thẳng ra con kênh.
Theo người dân sinh sống tại đây, khoảng thời gian sáng sớm và chiều tối là lúc các hộ chăn nuôi lợn thau rửa chuồng trại. Đây cũng là thời điểm nước thải theo các đường ống đổ thẳng xuống kênh nước. Nhiều hộ gia đình sống dọc 2 bên bờ kênh đều phải trang bị rèm che.
Ngoài nhiệm vụ chắn ánh nắng thì những tấm rèm này còn phần nào giúp ngăn mùi hôi thối từ con kênh bị ô nhiễm.
Căn nhà nằm sát và hướng mặt ra con kênh ô nhiễm của gia đình ông Phùng Văn Lệnh (62 tuổi, người dân thôn Viễn Lai) từ nhiều năm nay giống như một chiếc hộp kín. Ngoài 3 chiếc rèm được mắc để che chắn phía trước cửa chính, ông Lệnh còn phải căng những tấm bạt cao hơn 3 mét bao quanh nhà với mục đích để ngăn mùi hôi thối từ con kênh trước nhà xộc vào.
Nhà được quây kín, đồng nghĩa với việc không gian bên trong sẽ ngột ngạt hơn nhưng điều đó còn dễ chịu hơn so với việc lúc nào cũng phải hít mùi khó chịu. "Nhà đã quây kín như vậy mà mỗi khi có gió Tây hoặc trời mưa, mùi hôi càng bốc lên khiến gia đình tôi phải đóng cửa gần như cả ngày", ông Lệnh chia sẻ.
Gia đình ông Lệnh có 6 nhân khẩu, trong đó có 2 trẻ nhỏ. Không khí sống bị ô nhiễm khiến những đứa trẻ thường bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Theo người dân ở đây, con kênh thủy lợi bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm khoảng 5 năm trở lại đây khi một số hộ lập chuồng trại, chăn nuôi lợn trong khu dân cư và xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra kênh.
Sau dịch Covid-19, số lượng các hộ chăn nuôi nhiều lên, dòng kênh lại càng bị ô nhiễm hơn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là vào mùa hè hoặc những khi trời mưa.
Giống như gia đình ông Lệnh, vợ chồng ông Nguyễn Quyết Thắng (60 tuổi) và bà Cù Thị Hiển (51 tuổi) cũng phải quây bạt kín nhà kết hợp với buông rèm để ngăn mùi khó chịu từ con kênh ô nhiễm.
Tuy nhiên, khu vực tường bao trước nhà của gia đình ông Thắng thấp nên chỉ che chắn được một phần, còn lại mùi hôi vẫn theo gió bay vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của 3 thành viên trong gia đình ông. Để đối phó với tình trạng này, ông Thắng chỉ còn cách đóng kín cửa rồi bật quạt hoặc điều hòa.
Dù cuối tháng, tiền điện phải thanh toán nhiều nhưng gia đình ông không thể làm khác được. "Trong các cuộc họp, cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều có ý kiến nhưng hết năm này sang năm khác, con kênh lại ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng hơn", ông Thắng chia sẻ.
Không khí bị ô nhiễm tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với những gia đình có trẻ nhỏ như gia đình bà Phạm Thị Hà (người dân thôn Viễn Lai). Dù căn nhà của gia đình đã được che chắn kỹ nhưng nhiều lúc ở trong nhà, bà và cháu nhỏ 2 tuổi vẫn phải đeo khẩu trang.
Một người dân khác thì cho biết, do lo sợ không khí ô nhiễm nên gia đình chị phải chuyển con nhỏ sang ở nhà ngoại ở khu vực khác.
Chính quyền xã Bối Cầu cho biết, có tình trạng một số trang trại, cơ sở chăn nuôi lén lút xả thải ra môi trường. Một số cơ sở lén lút xả thải ra môi trường vào ban đêm hoặc đi các đường dẫn khác nên cơ quan chức năng chưa kiểm tra được.
Theo lãnh đạo xã Bối Cầu, ngoài các hộ chăn nuôi thì chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam nằm trên địa bàn xã cũng tạo nguồn chất thải lớn chưa qua xử lý, gây ô nhiễm cho các kênh, mương.
"Xã Bối Cầu có 1.450 hộ dân, trong đó có hơn 200 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vừa qua, chúng tôi đã thành lập các tổ cơ động đi kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính đối với 9 hộ vi phạm, với số tiền từ 700.000 đến 2 triệu đồng. Đồng thời, chính quyền xã cũng yêu cầu 37 hộ chăn nuôi khác ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các hộ đều đã cam kết khắc phục xây dựng, mở rộng bể biogas, bể lắng trước khi tháo nước ra ngoài. Với các kênh, mương bị ô nhiễm, địa phương sẽ khơi thông dòng chảy, làm sạch các tuyến kênh, đồng thời sẽ thực hiện những đợt kiểm tra đột xuất, phát hiện và xử lý nghiêm những hộ vi phạm", ông Chu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu, thông tin.
Còn theo báo cáo của UBND huyện Bình Lục, qua việc kiểm soát chăn nuôi tại một số xã trên địa bàn huyện cho thấy, việc tuân thủ quy trình về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn còn nhiều hạn chế, thiếu biện pháp áp dụng hiệu quả.
Vì thế, nước thải trong chăn nuôi không được xử lý triệt để đã xả ra các kênh mương tạo ra nguồn nước bị nhiễm. Trong đó, tại thôn 3 (xã Bối Cầu), có 13 hộ chăn nuôi lợn với số lượng 70 - 700 con/hộ.
Trong số này, có hộ ông P.V.T. nuôi 300 con lợn, hộ ông N.T.B. nuôi 200 con lợn, hộ ông L.V.T. nuôi 700 con lợn… tất cả nước thải chưa qua xử lý đều thải ra kênh thủy lợi. Riêng đối với chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, chủ doanh nghiệp đã ký cam kết sẽ xây dựng hệ thống thu gom, bể lắng lọc, gắn trang thiết bị xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Bên cạnh đó, UBND xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ chăn nuôi sử dụng nhiều biện pháp xử lý chất thải, chấm dứt xả nước thải trực tiếp ra các kênh, mương.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên các kênh thủy lợi, chính quyền huyện Bình Lục đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát các hộ, trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, phân loại theo quy mô chuồng trại và yêu cầu các hộ có biện pháp xử lý theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu các hộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể biogas, hệ thống thu gom, lắng lọc xử lý chất thải, nước thải trước khi thải ra môi trường.
Đại diện UBND huyện Bình Lục cho biết, đơn vị này cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức khơi thông cống rãnh và ký cam kết không xả nước thải, chôn lấp xác động vật, bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn