Sử dụng đất ổn định cả chục năm
Đang sinh sống ổn định trên thửa đất thuộc khu Tu Vũ, thôn Xuân Dương, xã Kim Lũ, chị Nguyễn Thị Nga và mẹ mình là bà Nguyễn Thị Định (SN 1959) bất ngờ nhận được Quyết định “Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” số 14/QĐ- KPHQ (ngày 11/2/2019, do ông Nguyễn Công Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Lũ ký) cho rằng bà Nguyễn Thị Định đã có hành vi “tự ý lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa”, vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 10, Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).
Tuy không xử phạt hành chính (do “hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”), nhưng nội dung Quyết định trên nêu rõ: “Bà Định bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả” là “buộc tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm, khôi phục lại tình trạng của thửa đất trước khi vi phạm”.
Quyết định số 14/QĐ- KPHQ căn cứ vào “biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai số 09/BB-VPHC ngày 29/1/2019 do UBND xã Kim Lũ lập đối với bà Nguyễn Thị Định”.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, cả bà Định lẫn chị Nga đều khẳng định gia đình mình không có bất kỳ hành vi lấn, chiếm đất nào vào ngày 29/1/2019 như nội dung biên bản nêu trên.
Trình bày về nguồn gốc thửa đất, bà Định cho hay: “Trước đây, thửa đất là bãi đổ rác của khu dân cư. Năm 1988, vợ chồng tôi có ra dọn dẹp, phát hoang khoảng 150m2 đất tại đây để làm bãi chứa gỗ rồi dựng nhà cấp 4 để trông coi gỗ và xưởng sản xuất đồ mộc. Trước khi chồng tôi qua đời (năm 2009), chúng tôi đã sửa sang lại nhà cửa kiên cố hơn để cho con gái tiếp tục sử dụng làm nơi ở, sinh hoạt. Quá trình sử dụng đất từ năm 1988 đến nay, gia đình tôi không có tranh chấp với ai và cũng không bị chính quyền địa phương nhắc nhở hay xử phạt gì. Thực tế này đã được rất nhiều người dân xung quanh ký xác nhận”…
Thống nhất với trình bày trên, chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, không thể lập gia đình. Cách đây 10 năm, may có người thương tình đã cho tôi một đứa con và từ đó đến nay, hai mẹ con tôi đùm bọc nhau sống trên mảnh đất và căn nhà mà bố mẹ tôi để lại cho tôi. Quá trình sinh sống, tôi vẫn giữ nguyên hiện trạng thửa đất, không có hành vi lấn chiếm, không có tranh chấp, kiện tụng. Hiện, khu vực này đã được quy hoạch là khu dân cư. Nhưng không hiểu tại sao UBND xã Kim Lũ lại có Quyết định và liên tục ra thông báo yêu cầu gia đình tôi tháo dỡ công trình trên đất. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi. Chính vì vậy, tôi đã gửi nhiều đơn kêu cứu gửi đến UBND xã Kim Lũ và UBND huyện Sóc Sơn, đề nghị xem xét lại vụ việc theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình. Tuy nhiên, trong khi chưa được giải quyết khiếu nại thì gia đình tôi liên tục nhận được thông báo yêu cầu phá dỡ của UBND xã, khiến mẹ con tôi luôn sống trong tình trạng bất an”…
Đủ điều kiện hợp thức
Trao đổi với phóng viên về những nội dung nêu trên, ông Nguyễn Công Kết (Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Kim Lũ) cho hay, “UBND xã xác định gia đình bà Định có 3 công trình trên đất, được xây dựng tại 3 thời điểm khác nhau. Theo Quyết định số 14/QĐ- KPHQ thì chúng tôi chỉ yêu cầu tháo dỡ công trình tạm ở góc thửa đất chứ không phải tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất, cũng không tháo dỡ phần nhà kiên cố do chị Nga đang ở”.
Khi phóng viên đề nghị được cung cấp cụ thể về bản đồ, hồ sơ địa chính cùng các tài liệu thể hiện thời điểm xây dựng từng công trình của bà Định thì ông Kết cho hay, “hồ sơ do cán bộ địa chính, xây dựng giữ” và “sẽ cung cấp cho báo chí sau”. Tuy nhiên, về nguồn gốc thửa đất thì ông Kết thừa nhận “đất vốn của Hợp tác xã nhưng bị bỏ hoang nên gia đình bà Định ra trồng rau, rồi quây rào, làm nhà để gỗ từ khoảng năm 2000. Đến năm 2017 thì gia đình và Định làm nhà kiên cố như hiện nay.
Trong khi đó, bà Định và nhiều người dân sống xung quanh khẳng định, toàn bộ diện tích thửa đất (khoảng 150m2) đều được gia đình bà Định sử dụng từ năm 1988. Vì vậy, nếu UBND xã cho rằng phần góc thửa đất là do bà Định hoặc chị Nga mới lấn chiếm, rồi yêu cầu phá dỡ công trình là không đúng.
Bình luận về vụ việc này, một số luật sư cho hay, trường hợp sử dụng đất trên của gia đình bà Định có thể được coi là “sử dụng đất không có giấy tờ”. Theo Khoản 1, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Đất đai 2013), quy định: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15/ 10/1993; nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất”.
Còn nếu việc sử dụng đất từ năm 2000 (như thông tin do đại diện UBND cung cấp) thì theo Khoản 2, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đối với trường hợp sử dụng đất từ 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004), thì gia đình bà Định cũng được xem xét công nhận quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, theo quy định tại Khoản 7, Điều 20 và khoản 3 Điều 22, Nghị định 43 thì dù đất gia đình bà Định sử dụng chưa đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, việc gia đình và Định đang sử dụng đất ổn định, không có dự án nào triển khai ở khu vực này cũng như không có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền mà UBND xã Kim Lũ vẫn ra Quyết định áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình là không đúng với quy định trên.
Được biết, trong những ngày gần đây, gia đình bà Định liên tục nhận được thông báo yêu cầu tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng “ven đường quốc lộ 16” theo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, theo gia đình bà Định thì ở đây đang có sự “mập mờ”, bởi các công trình vi phạm ở ven quốc lộ 16 mà UBND huyện đề cập trên đây không bao gồm công trình nhà bà. Các công trình nằm trong kế hoạch xử lý trên là những công trình mới được xây dựng trên đất nông nghiệp sau quá trình dồn điền, đổi thửa chứ không phải những trường hợp đã sử dụng ổn định hàng chục năm, đủ điều kiện hợp thức hóa như trường hợp gia đình bà.
Được biết, liên quan đến một số nhà xưởng, biệt thự “nhảy dù” trên đất nông nghiệp tại một số xã tại huyện Sóc Sơn (trong đó có xã Lim Lũ), UBND TP Hà Nội đã giao UBND huyện Sóc Sơn hoàn thiện hồ sơ vi phạm làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm theo quy định. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh trong việc thực hiện nhiệm vụ này là “phải rà soát, phân loại”.
Không hiểu công tác rà soát, phân loại như thế nào mà việc sử dụng đất ổn định, giữa khu dân cư của gia đình bà Định trong hàng chục năm qua lại bị “đánh đồng” với một số công trình “nhảy dù” xuống đất nông nghiệp trong thời gian gần đây?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về kết quả giải quyết khiếu nại của UBND xã Kim Lũ cũng như của cấp trên trong thời gian tới.