Khi được hỏi về hành trình để được làm mẹ, được ôm đứa con bé bỏng trong vòng tay, Mỹ Hạnh (24 tuổi) ở Đắk Lắk lại nhớ tới những tháng ngày đau thương ngập trong nước mắt khi chỉ trong vòng 3 năm trời trải qua 2 lần mang nặng đẻ đau nhưng các con đều không ở lại với bố mẹ. Đó là quãng thời gian không quá dài nhưng chắc hẳn là chuỗi ngày đầy khó nhọc của vợ chồng trẻ.
Để có được bé gái xinh xắn, đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau đi qua rất nhiều biến cố.
Thế nhưng sau rất nhiều buồn đau từng trải, hai vợ chồng cô được đền đáp xứng đáng khi hay tin cấn bầu và hạ sinh em bé thứ 3 thành công, tuy chào đời thiếu tháng nhưng bằng tình yêu thương che chở của bố mẹ, em bé đã dần cứng cáp và ổn định sức khỏe, ngôi nhà nhỏ giờ đây đã rộn vang tiếng cười hơn trước đó.
Hai lần mất con ở tuần 24 và 28 của thai kỳ
Sau một thời gian tìm hiểu yêu đương, Mỹ Hạnh quyết định lên xe hoa vào năm cô tròn 20 tuổi. 3 tháng sau ngày cưới, cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc khi biết tin cô mang bầu. Ngày biết mình mang thai con đầu lòng, Hạnh vô cùng háo hức, cô cũng thú nhận bản thân còn khá trẻ không để ý đến việc phải kiêng cữ nên đã sắm đồ sắm đạc cho con từ rất sớm.
Trải qua những tháng đầu thai kỳ ổn định thì đến giữa tam cá nguyệt thứ 2, Hạnh cảm nhận rõ những bất thường trong cơ thể, cô tới bệnh viện khám và được bác sĩ thông báo về tình trạng hở eo cổ tử cung rất dễ dẫn tới tình trạng sinh non. “Hồi đó mình đi khám và được phát hiện hở eo cổ tử cung nên không giữ được em bé lâu hơn trong bụng mẹ. Con lọt lòng khi mới 24 tuần và không thể ở lại với bố mẹ” – 9X nói.
Bé Bánh Mì chào đời nặng 1,9kg và phải nằm lồng kính 10 ngày.
Từ biến cố đầu đời, Mỹ Hạnh trách bản thân do chưa chuẩn bị kiến thức mang thai nên mẹ và bé không khỏe mạnh. Sau ngày đó, cô bắt đầu quan tâm tới các vấn đề về sức khỏe nhiều hơn. Năm 2017 Hạnh mang bầu lần 2, vì đã một lần mất con nên lần này cô thận trọng hơn, theo dõi sát sao thai kỳ, hầu như tuần nào cũng 5 – 7 ngày nằm viện, cô được tiến hành khâu eo, đặt thuốc và dưỡng thai suốt thời gian dài.
Đằng đẵng 6 tháng trời gìn giữ bồi bổ thai kỳ thì bước vào tuần thứ 28, Hạnh đi khám và phát hiện tiếp tục có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, quá lo lắng và hoảng loạn, cô cùng chồng tức tốc tìm mọi cách để giữ con có thể ở lại lâu trong bụng mẹ đủ tháng đủ ngày.
Tuy nhiên, vì tình trạng hở eo cổ tử cung của cô khá nặng nên không còn cách nào khác, bác sĩ phải để thai phụ sinh non tháng, vì thiếu tháng nên bé nằm lồng ấp điều trị đặc biệt một tháng, song vì quá yếu lại mắc quá nhiều bệnh lý trẻ sinh non nên sau 30 ngày nằm điều trị bé lịm dần và chính thức xa bố mẹ.
Ngay khi vừa mới chào đời, bé đã tiêu được sữa, đó là tín hiệu tích cực đối với những em bé sinh thiếu tháng.
Sau lần đó, Hạnh rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, cô và chồng từng nhiều đêm nằm tâm sự và nghĩ hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ mỉm cười với mình lần nữa. Nghĩ là vậy nhưng trong tâm trí hai vợ chồng vẫn luôn đau đáu niềm mong mỏi có con và nhất quyết không chịu thua số phận, cô không cho phép mình dễ dàng từ bỏ quyền làm mẹ. Theo thời gian, mọi đau đớn, buồn tủi rồi cũng trôi qua, đôi vợ chồng trẻ động viên nhau làm ăn để quên đi hai biến cố lớn trong hôn nhân.
Mang thai lần 3 liên tục nằm một chỗ
Đến cuối năm 2018, dấu hiệu mất kinh kéo dài khiến bà mẹ trẻ lo lắng, 5 tháng không thấy kinh nguyệt trở lại Hạnh bắt đầu hoang mang, liền tìm đến bác sĩ để kiểm tra. Tại phòng khám, trong quá trình siêu âm cô được thông báo có túi thai trong tử cung tuy nhiên biểu hiện chưa rõ nên phải chờ một tháng sau khám lại.
Chờ đúng 30 ngày tái khám, bác sĩ thông báo thai đã làm tổ, nghe tin hai vợ chồng cô mừng tới rơi nước mắt, hạnh phúc như vỡ òa sau bao ngày chờ đợi. “Hay tin con lại về bên bố mẹ mà hai vợ chồng không giấu được cảm xúc. Mừng lắm nhưng cũng lo rất nhiều vì trước đó đã hai lần mất con do sức khỏe của mẹ không tốt” – Hạnh nói.
Mang thai và trải qua nhiều biến cố là vậy song Mỹ Hạnh rất may mắn khi được chồng hết mực yêu thương.
Mang thai lần 3, mẹ Đắk Lắk tập trung nghỉ ngơi hơn rất nhiều, hầu như chỉ nằm một chỗ và hạn hế đi lại nhất có thể, đặc biệt là không di chuyển bằng phương tiện xe máy. Chính niềm mong mỏi có tiếng trẻ thơ trong nhà trở thành động lực để cô sẵn sàng làm tất cả. Hạnh phúc hơn là cô được chồng và hai bên nội ngoại thay phiên nhau nâng đỡ chăm sóc.
Hạnh tâm sự: “Suốt thai kỳ, mình luôn giữ tinh thần lạc quan nhất và luôn tự nhủ với bản thân mình không được khóc dù có chuyện gì xảy ra. Đến tuần thai 33 mình thấy cơ thể khá nặng nề dù mang thai chỉ tăng vỏn vẹn 4 kg do thai nghén không ăn được gì. Tại bệnh viện, mình như choáng váng khi được bác sĩ nói cổ tử cung đã tụt và có dấu hiệu sinh”.
Lần mang thai này cũng không hề suôn sẻ khi tuần thứ 33, cô bị vỡ ối non và phải nhập viện gấp. Vượt qua đoạn đường 100km lên tới bệnh viện, đúng 18g40phút là em bé ra đời. Con cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui sướng tột độ của cả gia đình. Bé được đặt tên là Bánh Mì đạt cân nặng 1.9kg. “Mình sinh xong thì khoẻ lắm, đi lại bình thường không mệt mỏi hay phải nhờ tới sự giúp đỡ của ai cả” – 9X nhớ lại.
Bé Bánh Mì sau 20 ngày nằm viện theo dõi sinh non, con đã được về trong vòng tay của ba mẹ.
Sau 10 ngày nằm lồng ấp, em bé được ra với mẹ để làm phương pháp Kangaroo. Tròn 20 ngày chào đời, con được xuất viện về với gia đình. Vì biết bản thân từng bị sinh non nhiều lần nên Hạnh tính từng ngày, con ở trong bụng ngày nào là mẹ mừng ngày đó.
Nhìn con yêu mỗi ngày một lớn lên, cứng cáp hơn, biết làm nhiều thứ hơn, cô cũng quên dần những khó khăn vất vả trong hành trình 3 năm 2 lần mất con. Đôi lúc, cô nhớ lại chỉ để thấy mình may mắn vì được tận hưởng cảm giác làm mẹ, có được niềm hạnh phúc không gì sánh bằng khi tự tay chăm sóc con và được chứng kiến, đồng hành cùng con yêu mỗi ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn