Hạnh phúc với niềm vui “cô đỡ”

15:16 | 10/03/2020;
Là "cô đỡ" chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng cao suốt 18 năm, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Trạm y tế xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) ngày đêm cần mẫn chạy khắp thôn bản để giúp chị em hạ sinh mẹ tròn con vuông.

Ngại chi lũ quét, mưa rừng

Hạnh phúc với niềm vui “cô đỡ” - Ảnh 1.

Chị Nhung thăm khám và tư vấn cho thai phụ

Gần 20 năm gắn bó với vùng cao, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (quê Phú Thọ, công tác tại Trạm y tế xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), coi nơi này như quê hương ruột thịt. Thời điểm chị Nhung có mặt ở mảnh đất vùng cao sương gió này, nơi đây vẫn còn thiếu trầm trọng đội ngũ y, bác sỹ. Ngày ấy, khi quyết định lên đây công tác, ngoài lý do địa phương cần đội ngũ hộ sinh, chị Nhung còn một lý do cá nhân nữa là để chăm sóc bố - một cán bộ y tế cũng đã nhiều năm gắn bó với mảnh đất này.

Công tác ở những xã vùng cao này, điều mà nhiều người miền xuôi "sợ" chính là đường sá đi lại rất khó khăn, thôn bản thì xa, chưa kể lũ quét, mưa rừng, cái lạnh cắt da cắt thịt. Chị Nhung cũng không ngoại lệ. Từ thị trấn Bắc Hà lên đến xã Thải Giàng Phố gần 30km, nếu đi xe máy thì khi đến các bản cũng không thể đi tiếp bằng phương tiện này. Chính vì vậy, luôn luôn là những chuyến đi kết hợp giữa xe máy và cuốc bộ.

Dầu vậy, vất vả đi lại không phải là cái đáng sợ nhất khi công tác tại đây. Trình độ dân trí của bà con trên này còn hạn chế và nhiều hủ tục lạc hậu. "Nhiều lúc đi lại vất vả cũng chạnh lòng nhưng vì đã theo nghề nên vẫn cứ theo thôi. Mỗi khi đón một đứa trẻ chào đời khỏe mạnh là trong lòng rưng rưng hạnh phúc và vui", chị Nhung chia sẻ.

Chị Nhung cho biết, ở xã Thải Giàng Phố, tỉ lệ phụ nữ đẻ tại nhà vẫn còn cao, tỉ lệ phụ nữ sinh con trước tuổi vẫn còn nhiều. Mỗi khi người dân gọi để đi đỡ đẻ tại nhà, chị và các đồng nghiệp đều nhanh chóng có mặt, dù đường sá xa xôi, gập ghềnh. Sau nhiều năm vừa công tác vừa vận động tư vấn cho người dân, tỉ lệ này cũng đã giảm xuống, những phụ nữ đến đẻ tại cơ sở y tế tăng lên, tỉ lệ đẻ ở nhà ít đi. Có được thành quả này là nhờ quá trình nhiều năm kiên trì bền bỉ không chỉ của đội ngũ y tế mà còn của cả chính quyền địa phương.

Nhớ lại một ca khó khăn trong lúc làm nhiệm vụ, chị Nhung kể: "Cách đây mấy năm, có một thai phụ sắp sinh tìm đến trạm. Sau khi thăm khám và giải thích rõ trường hợp của thai phụ phải ở lại trạm để cán bộ y tế theo dõi nhưng tối hôm đó, thai phụ lại trốn về. Sáng ngày hôm sau, có người trong gia đình ra trạm gọi tôi. Ngay lập tức, tôi cùng với các đồng nghiệp vội vã đến nhà, khuyên nhủ và động viên gia đình đưa thai phụ vào trạm y tế để đẻ cho an toàn. Nhưng nói thế nào thì họ vẫn khăng khăng không đến trạm. Trong tình thế cấp bách đó, chúng tôi buộc phải đỡ đẻ tại nhà nhưng rất tiếc, cái thai dị dạng nên không giữ được đứa trẻ. Việc đỡ đẻ thai dị dạng rất khó khăn, gia đình cũng rất bất ngờ khi thấy em bé sinh ra không được bình thường. Kíp đỡ chúng tôi nhìn nhau thẫn thờ, lòng nhói đau. Tôi chỉ mong ước, có điều kiện để các thai phụ ở đây được xét nghiệm, phát hiện sớm tình trạng của thai nhi trong thời gian mang thai".

Niềm hạnh phúc vô bờ

Hạnh phúc với niềm vui “cô đỡ” - Ảnh 2.

Chị Nhung (trái) và 1 thai phụ. Ảnh: Kiều Trang

Chị Nhung cũng cho biết, có trường hợp sản phụ đẻ hai đứa con đầu đều mất, đến khi mang thai con thứ ba thì lại bị ngược ngôi thai. Người phụ nữ đã đến trạm y tế để khám và được tư vấn khi nào chuyển dạ thì đến đẻ tại cơ sở y tế để có điều kiện chăm sóc sức khỏe và nếu cần thì phẫu thuật bắt con. Đúng hôm sản phụ này đến để sinh thì ca trực chỉ còn mình chị Nhung. Gọi hỗ trợ nhưng các hộ lý khác không đến kịp nên chị Nhung đã phải đỡ đẻ một mình. May mắn, dù thai ngược ngôi nhưng ca đỡ đã thành công, mẹ tròn con vuông. Nhìn cháu bé chào đời an toàn, chị Nhung hạnh phúc vô bờ bến, chị càng thấy trân quý những ngày túc trực, giúp đỡ những người mẹ vùng cao.

"Độ tuổi sinh đẻ của phụ nữ vùng cao thường là 19 đến 20 tuổi nhưng ít hiểu biết về sức khỏe sinh sản. Vì thế, nhiều nhà bà truyền cháu, mẹ truyền con, tập tục và thói quen sinh đẻ tại nhà được duy trì qua nhiều năm tháng. Chỉ mong sao, với sự nỗ lực của cán bộ y tế thôn bản và chính quyền địa phương trong công tác truyền thông, thời gian tới sẽ dần xóa bỏ được việc sinh con tại nhà", chị Nhung bày tỏ.

Chị Nhung cũng cho hay, có nhiều sản phụ tân tiến, có hiểu biết, trong thời gian mang thai đã chủ động đi bệnh viện siêu âm, sau đó mang phiếu siêu âm theo khi đến trạm y tế để sinh con. Dù ở trạm giờ đây cũng đã được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất nhưng về trang thiết bị như máy siêu âm, xét nghiệm, máy thở ô xy, máy khí rung và các vật tư y tế khác vẫn còn thiếu. Nhân sự để sử dụng các loại thiết bị tiên tiến đó cũng chưa được đào tạo. Mỗi khi có thai phụ đến khám, chị Nhung và đồng nghiệp chủ yếu khám bằng tay nên phải tích lũy kinh nghiệm và học hỏi từ các đồng nghiệp.

Người nhà của dân bản

Là một người mẹ đơn thân, lại sống xa quê hương, coi Thải Giàng Phố là quê hương thứ hai của mình, tình cảm gắn bó với vùng đất này càng được chị Nhung trân trọng. Chị luôn cố gắng làm sao để những phụ nữ vùng cao trải qua cuộc sinh đẻ vuông tròn. Trong suốt gần 20 năm, chị Nhung luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không quản ngại khó khăn, tận tâm giúp đỡ và vận động bà con vùng cao hiểu biết hơn về sức khỏe sinh sản.

Gắn bó với vùng cao đã lâu nên bà con nơi đây coi chị Nhung như người nhà của mình. Nhiều gia đình để tỏ lòng yêu quý chị Nhung đã đặt tên con giống tên chị. Niềm vui giản dị ấy động viên rất nhiều, giúp chị càng có thêm động lực và tâm huyết với nghề, gắn bó với đất và người Thải Giàng Phố.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn