Hành trình đau đớn của cậu bé bị lõm lồng ngực

11:07 | 06/08/2015;
Chị Nguyễn Thị Diệu Huyền (quê Cần Đước, Long An) đang cố gắng đỡ cậu con trai ngồi dậy theo lời dặn của bác sĩ sau khi phẫu thuật. Song, thấy con khóc thét lên vì đau, chị lại vội đặt con nằm xuống. 

Bé Đỗ Nguyễn Long Hồ (14 tuổi) là con trai đầu lòng của vợ chồng chị Huyền. Vốn làm nghề trồng lúa nhưng sau khi kết hôn, chị Huyền bàn với chồng vay mượn tiền để đầu tư nuôi tôm thẻ, hy vọng một ngày nào đó có thể thay đổi vận nghèo. Song, quá trình khởi nghiệp của vợ chồng chị gặp không ít khó khăn, thua lỗ do tôm bị bệnh và xuống giá. Chị kể: “Trong khi hàng xóm làm ăn rất thuận thì vợ chồng tui chật vật mãi. Mùa nào tôm khỏe, phát triển tốt thì không được giá, lỗ tiền đầu tư, còn khi được thu mua với giá cao thì tôm lại bệnh, chết trước lúc kịp bán. Sau vài năm cố gắng bám trụ, cuối cùng vợ chồng tui đành bỏ cuộc, quay về cảnh làm thuê và mang những khoản nợ lớn”.

Từ sau khi bỏ nghề nuôi tôm, chồng chị Huyền xin đi đóng thuyền thuê với mức thu nhập trên 100.000 đồng/ngày, còn chị Huyền mở tiệm tạp hóa ở nhà và tranh thủ ai thuê gì làm nấy để kiếm thêm thu nhập. Bận rộn với cuộc mưu sinh, anh chị ít có thời gian để ý đến con. Chỉ tới khi bé Long Hồ mỗi ngày một gầy yếu, thường xuyên mệt mỏi và lồng ngực lõm sâu, chị Huyền mới đưa con đi khám.

Chị bảo: “Hồi mới sinh, bé mập lắm nên không thấy có dấu hiệu gì bất thường, những lần cảm, sốt... chỉ cần uống thuốc là hết. Khoảng 2 năm trở lại đây, bé đi học thấy mệt, có lúc đạp xe đi học về tới nhà là quăng xe, vô võng nằm thở. Bé xuống cân rất nhanh và điều lạ nhất là ngực bị lõm rất sâu, giống như tình trạng bị suy dinh dưỡng nặng. Vài lần bé bị sốt cao, tui đưa bé đi bệnh viện và kể lại những triệu chứng lạ của bé nhưng bác sĩ bảo không sao cả. Thấy con ăn nhiều nhưng không hề lên cân, sức khỏe đi xuống nên tui đưa bé tới TPHCM xét nghiệm. Cuối cùng, bác sĩ nói bé bị bệnh lõm ngực, cần phẫu thuật để chỉnh xương”.

Bé Đỗ Nguyễn Long Hồ (14 tuổi) đang được mẹ chăm sóc tại khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM (Ảnh chụp 10/7/2014) 

Chị Huyền được bác sĩ viết giấy hẹn 1 tuần sau trở lại để nhập viện. Đó cũng là khoảng thời gian vợ chồng chị ngược xuôi vay mượn tiền ở quê để chuẩn bị cho con phẫu thuật. “Bé có bảo hiểm nhưng do không đúng tuyến nên chỉ được chi trả 30%. Vợ chồng tui vay mượn bà con, bạn bè, hàng xóm mỗi người một chút, cộng thêm khoản ông xã xin tạm ứng ở xưởng đóng tàu, được hơn 30 triệu đồng mang lên thành phố. Bé nhập viện buổi sáng thì chiều được đưa vào phòng phẫu thuật, lúc đó tui mới thấy cũng có nhiều trường hợp bị bệnh giống con trai mình. Ông xã có lên phụ tui trông bé nhưng sau đó lại phải về gấp để đi làm vì chủ ghe không cho nghỉ nhiều”, chị Huyền tâm sự.

Bé Long Hồ dường như chỉ giữ nguyên một tư thế nằm trong suốt hơn 2 tiếng chúng tôi ngồi trò chuyện. Thỉnh thoảng, bé gắng gượng trả lời những câu hỏi của chúng tôi bằng giọng yếu ớt. “Em thấy đau nhất ở đâu?”, tôi hỏi. “Ngực em đau nhất. Có cái gì ở đó làm em không trở mình được”. “Em ăn được không?”, “Chút chút, em thích uống sữa hơn”. “Sau phẫu thuật, em có thấy gì khác?”, “Ngực em không còn bị hõm vào trong nữa nên đau mấy em cũng chịu được”.

Sau khi cuộc phẫu thuật được thực hiện thành công, bác sĩ tư vấn chị Huyền nên tập cho con trai ngồi dậy, đi lại thường xuyên để nhanh chóng bình phục. Tuy nhiên, đây thực sự là một việc rất khó thực hiện, bởi mỗi lần thấy con thét lên vì đau lúc chị cố gắng giúp con ngồi dậy, nước mắt chị lại ứa ra và nhanh chóng đặt con nằm xuống. “Nếu tập cho bé có thể ngồi dậy và tự đi lại được thì sẽ nhanh được xuất viện, nhưng tui không nỡ nhìn thấy bé co lại vì đau mỗi lần tui cố nâng bé ngồi dậy. Sau khi xuất viện, bé còn phải tái khám định kỳ 3 tháng 1 lần tới khi nào xương phát triển bình thường mới lấy được khung ra. Đó là một chặng đường dài, nhưng bệnh có thể chữa được nghĩa là còn hy vọng".

 Lõm ngực là một dạng dị tật bẩm sinh, khi nhỏ rất khó để phát hiện nhưng lúc lớn lên, sự phát triển của xương làm ngực ngày càng lõm. Có nhiều nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu đều cho kết quả tỉ lệ bệnh ở trẻ mới sinh khoảng 1/1.000. Tại Việt Nam, có vài công trình báo cáo của Bệnh viện ĐH Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho thấy, tỉ lệ nam, nữ bị bệnh này là 4:1.

Triệu chứng của bệnh thường là xuất hiện tình trạng ngực lõm sâu, người bệnh có dấu hiệu sụt cân, sức khoẻ giảm, thường xuyên mệt, chóng mặt, khó thở khi vận động.

Phương pháp điều trị: Phẫu thuật đặt thanh nâng ngực để nắn xương phát triển theo hướng mới. Khi xương phát triển cứng, chắc thì sẽ tháo thanh nâng ngực ra, thời gian thường kéo dài khoảng từ 2 đến 3 năm tùy tình trạng và độ tuổi. Những trường hợp điều trị từ nhỏ sẽ mang lại nhiều thuận lợi do xương mềm và tốc độ phát triển của xương nhanh nên nhanh cứng chắc.

Vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh lõm ngực, người bệnh cần đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán, điều trị, bởi ngoài yếu tố thẩm mỹ, lõm ngực còn làm giảm thể tích lồng ngực, từ đó làm giảm diện tích giúp tim và phổi phát triển. Nhiều trường hợp nặng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng và nhiễm trùng hô hấp thường xuyên.

Nếu bé gái mắc bệnh thể nhẹ (không ảnh hưởng đến tim hay phổi, chỉ ảnh hưởng về mặt thẫm mỹ) thì không tác động đến sự phát triển thể chất và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nếu mắc bệnh thể nặng, có thể làm chậm phát triển thể chất, khả năng sinh sản và mang thai hay sinh nở sẽ bị ảnh hưởng theo.

Chi phí phẫu thuật và điều trị bệnh khoảng 30 triệu đồng.

 

ThS, bác sĩ
Trần Minh Bảo Luân
(khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn