Hiểm họa từ 'bong bóng công nghệ'

11:00 | 03/11/2015;
“Bong bóng công nghệ” là khái niệm mà giới chuyên gia về tài chính và công nghệ sử dụng để nói về hiện tượng các công ty công nghệ mới thành lập, tuổi đời còn trẻ và tương lai khá “mịt mù”, được “thổi giá” quá cao so với giá trị thực
Cũng như “bong bóng bật động sản” hay “bong bóng tài sản”, “bong bóng công nghệ” là hiện tượng có thể dẫn tới nguy cơ gây rối loạn nền tài chính toàn cầu, nếu một mai “bong bóng” này đột nhiên bị xịt hơi.
 
QUÁ NHIỀU DỰ ÁN TỈ ĐÔ
Chỉ trong một thời gian ngắn, hãng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc đã huy động được hơn 1 tỉ USD từ các nhà đầu tư và được định giá 46 tỉ USD. Đây là mức định giá chỉ thua mỗi facebook hồi năm 2011. Không riêng chỉ Xiaomi, mà trong hơn 1 năm qua, trên toàn thế giới đã có khoảng 40 công ty công nghệ mới thành lập được các nhà đầu tư mạo hiểm, quỹ tương hỗ và các ngân hàng lớn định giá từ mức 1 tỉ USD trở lên.
Như vậy, hiện trên thế giới có tới 70 công ty công nghệ mới thành lập trị giá tỉ đô, nhiều gần gấp đôi con số trong suốt thời kỳ bùng nổ “bong bóng dotcom” những năm 1999-2000. Song, điểm khác biệt so với thời “bong bóng dotcom” là mức định giá đang tăng với tốc độ chóng mặt. Đơn cử như mới hồi tháng 11/2014, Uber Technologies Inc, đã được các nhà đầu tư định giá 41,2 tỉ USD, gấp hàng chục lần mức giá được đưa ra chỉ 1 năm trước. Hay giá trị của Pure Storage Inc, một công ty kinh doanh thiết bị lưu trữ dữ liệu, cũng đã tăng gấp 3 lần, lên tới 3 tỉ USD vào tháng 4/2014 chỉ sau chưa đầy 1 năm. Tương tự, Airbnb - trang web môi giới thuê nhà theo mô hình “kinh tế chia sẻ” - được định giá 10 tỉ USD vào tháng 4 năm ngoái, gấp 40 lần mức doanh thu xấp xỉ 250 triệu USD năm 2013 của hãng.

 Hàng loạt công ty công nghệ được giới đầu tư định giá cao chót vót so với thời điểm trước đó

Vì sao làn sóng đầu tư vào các công ty mới thành lập trong năm qua lại mạnh mẽ như thế? Một số ý kiến cho rằng nguyên do là ngành công nghệ đang qua mặt gần như tất cả các ngành lớn khác, từ vận tải đô thị và ngành dịch vụ khách sạn cho đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Theo các nhà đầu tư, đó là những doanh nghiệp thực sự đang trên đà xây dựng và phát triển, hoàn toàn khác với các công ty mới thành lập không có giá trị nội tại như giai đoạn lên cơn sốt dotcom vào cuối thập niên 1990. Thời kỳ đó, sự phấn khích của nhà đầu tư đối với ngành internet đã dẫn đến “bong bóng công nghệ” bị xì hơi vào đầu năm 2000, khiến rất nhiều doanh nghiệp công nghệ phải lao đao.
Được biết, chỉ trong vòng vài năm qua, các nhà đầu tư đã định giá xấp xỉ 160 tỉ USD cho các công ty công nghệ mới thành lập tại Mỹ.
 
VẬN HỘI HAY NGUY CƠ?
Được các nhà đầu tư dồn dập “quăng” tiền tỉ vào, hẳn là điều mà các hãng công nghệ non trẻ mong đợi. Thậm chí, tỉ phú Peter Thiel, nhà đầu tư mạo hiểm đã rót vốn vào facebook thuở ban đầu, cho biết nhìn chung, các công ty mới thành lập không bị định giá quá cao. Mức định giá xấp xỉ 160 tỉ USD cho các công ty công nghệ mới thành lập tại Mỹ bằng chưa tới phân nửa mức vốn hóa thị trường 365 tỉ USD của Google.
Tuy nhiên, một số tên tuổi khác trong giới tài chính lại đánh giá vấn đề theo một chiều hướng khác hẳn. “Không nghi ngờ gì nữa, trong một số lĩnh vực đang hình thành bong bóng giá và bong bóng giá này đang trong giai đoạn cuối”, Peter Fenton, một đối tác tại Benchmark, nhà đầu tư ban đầu vào Uber, Dropbox và Snapchat, nhận định.
Lãi suất thấp và triển vọng thu về mức lợi nhuận béo bở, lại được tiếp thêm nguồn cảm hứng vô tận từ các thành công mang tính huyền thoại của facebook, Google và Apple, đang khiến các nhà đầu tư vốn đã coi “mạo hiểm” là một tiêu chí để kiếm lợi nhuận “khủng”, càng hào hứng và tự tin với quyết định xài tiền “không thương tiếc” của mình. Họ đã tạo nên nhiều “cơn sốt” đầu tư cực kỳ “bạo tay”, không khác mấy những “cơn sốt” đã xảy ra cách đây 15-16 năm. Bà Andrea Auerbach, Giám đốc Điều hành tại Cambridge Associates - công ty tư vấn đầu tư cho các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư lớn khác - cho biết: Có dấu hiệu những nhà đầu tư đang chi tiền theo phong trào, chứ chưa hẳn vì chỉ số cơ bản của các công ty non trẻ này.

 Những dấu hiệu đáng ngại đã xuất hiện, điển hình như sự mất đà và lao đao của Fab Inc

Trên thực tế, đã xuất hiện một số dấu hiệu đáng ngại. Fab Inc., một công ty thương mại điện tử đã huy động lên tới hơn 300 triệu USD và được định giá tới 1,2 tỉ USD vào năm 2013, đã cắt giảm hàng trăm lao động sau thời kỳ bành trướng ra nước ngoài quá nhanh, khiến chi phí vượt khỏi tầm kiểm soát. Có thông tin cho biết, gần đây Fab phải bán phần lớn bộ phận kinh doanh của mình với giá rất rẻ.
Điểm khác biệt mấu chốt được chỉ ra, đó là trong khi “bong bóng công nghệ” của những năm 2000 về cơ bản là “bong bóng chứng khoán” thì “bong bóng” hiện nay là trong lĩnh vực đầu tư tư nhân. Điều này khiến những người đã tham gia sâu vào không có đường thoát. Đó chính là chỉ dấu cho thấy trong sự hào hứng đổ tiền vào các dự án công nghệ mới, vẫn có những mối nguy tiềm ẩn. Nó không chỉ đe dọa sự phát triển lành mạnh của thế giới công nghệ, mà còn có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cả tình hình tài chính thế giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn