Là người con sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung đầy nắng và gió, chứng kiến bà con nông dân vất vả dưới cái nắng cháy da, mà sản phẩm chỉ loanh quanh bán được tại chợ quê với giá thấp, chị Hoàng Thị Cẩm Nhung băn khoăn nghĩ cách làm sao để hỗ trợ thu mua nông sản sạch cho bà con, giúp họ vươn lên thoát nghèo và sống bền với nghề nông tại địa phương. Thương hiệu Mộc An ra đời là 1 bước ngoặt lớn, giúp chị Cẩm Nhung thỏa mong ước đem đến tay người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.
Lúc ban đầu, xưởng ngũ cốc Mộc An chỉ có 15 công nhân. Nguyên liệu sản xuất chính là các loại hạt đậu quê như sen Huế, đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành thuần chủng, mè đen, gạo lứt, bên cạnh đó là các loại hạt nhập khẩu như hạt óc chó, macca, hạnh nhân, bí xanh, điều...
Chị chia sẻ: "Quy trình của xưởng rất cẩn trọng. Chị chọn lựa kĩ càng, nhặt bỏ hạt sâu hạt lép rồi ngâm hạt, rửa sạch, sau đó mang sấy khô, sấy chín và phối trộn theo tỉ lệ phù hợp. Cuối cùng là xay mịn rồi đóng gói". Trong đó khâu ngâm hạt là đặc biệt quan trọng vì ngâm hạt giúp ngũ cốc phát huy hiệu quả của hạt, cải thiện hệ tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng cao.
Sau 5 năm, từ một cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, Mộc An đã phát triển thành Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp xanh Mộc An với hơn 50 công nhân.
Chị Cẩm Nhung cho biết: Để quảng bá sản phẩm của mình, chị tận dụng tối đa các trang mạng xã hội, tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm của Mộc An đa dạng chủng loại, giàu dinh dưỡng, có uy tín tốt và được tiêu thụ rộng rãi trên các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm Việt tại địa phương, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đầu tư phát triển thị trường tiêu thụ để kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong năm 2023, nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, ngoài những chính sách kích cầu tiêu dùng hàng Việt của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh duy trì, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương, hàng thủ công mỹ nghệ...
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến hết tháng 10/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 4.671 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.415,7 tỉ đồng, chiếm 73%, tăng 13,7%. Trong 10 tháng năm 2023, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng Việt.
Trong năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các hoạt động như: Hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ; Hội chợ thương mại tại Hà Nội và hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp tham gia.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của Nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung xúc tiến thương mại, từ đó kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tạo cho doanh nghiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Từ đó, có chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, góp phần triển khai có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Những tháng cuối năm, để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tinh thần ưu tiên lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tổ chức chương trình kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, đặc sản của tỉnh vào các hệ thống siêu thị và tổ chức một số chương trình, hội nghị kết nối giao thương sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ trong tỉnh. Từ đó khai thác tốt thị trường trong nước giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần lan tỏa tinh thần tự hào hàng Việt Nam, tinh hoa hàng Việt Nam trong toàn tỉnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn