Duyên kỳ ngộ
Vào mùa Giáng sinh năm 2009, khi chúng tôi đang làm việc trong tòa soạn thì thấy các miếng bọt biển li ti bay tứ tung khắp nơi. Gió chướng, bọt biển lại nhẹ nên trắng xóa, lọt cả vào văn phòng. Từ trên lầu 2 nhìn xuống, tôi thấy 1 cô gái với phong cách tomboy đang đứng tạo hình người tuyết, trước cửa quán cà phê. Tay cô thoăn thoắt cạo miếng bọt biển lớn, rồi sửa chăm chú, chỉ vài chục phút là hoàn thành xong tác phẩm. Chúng tôi đứng ngắm cách cô tạo hình, đều cảm thấy lây sang niềm vui của không khí những ngày lễ hội. Thời điểm đó, tôi chưa gặp mặt Hoàng Himiko, chỉ nghe tên cô với không gian nghệ thuật phá cách Himiko visual café cùng các tác phẩm: sắp đặt I see (Tôi thấy) và loạt ảnh ý niệm Closer (Gần nữa)
Gần cuối năm 2012, mẩu tin trên báo Tuổi Trẻ khiến anh em nghệ sĩ trẻ Sài Gòn sững sờ: Hoàng Himiko bị tai nạn giao thông rất nặng, bị dập não và hôn mê sâu. Mọi tiên lượng của các bác sĩ cho biết, hy vọng về sự sống hoặc sự phục hồi đều vô cùng mong manh. Nữ nghệ sĩ nằm hôn mê đúng nửa tháng trời mới tỉnh lại.
Mọi việc sau đó chìm đi, tôi không theo dõi được diễn biến của câu chuyện nữa. Chỉ tới khi mạng xã hội phát triển thần tốc gần đây thì chúng tôi kết nối được với nhau. Ngay khi vừa kết bạn trên mạng, tôi đã xin hẹn gặp nữ nghệ sĩ cá tính này. Di chứng của tai nạn giao thông khiến Hoàng Himiko không giữ được thần thái dáng vẻ và khuôn mặt như cũ. Cô nói giọng giống hệt người nước ngoài đang tập tành học tiếng Việt, 1 nửa chiếc sọ sau khi lắp ráp lại vào đầu đã để vết hằn lõm xuống rất sâu.
Điều khiến Hoàng Himiko nhắc tới nhắc lui là tính cách tự nhiên quay trở về thời con nít. Nếu như trước đây, vẻ “manly” áp dụng vào cả trong suy nghĩ, chẳng khi nào dễ rơi nước mắt trước mặt người khác, thì giờ ngược lại: Bất cứ chuyện gì kích động cũng khiến cô khóc toáng lên. Chỉ nhận được ra chất nghệ sĩ từ trong huyết quản của Hoàng Himiko, chính là cách cô vẫn mê say sáng tạo các tác phẩm sắp đặt và điêu khắc.
Không thể là ai khác
Căn hộ dành cho người đơn thân bị thấm nước của căn chung cư cũ kỹ trên đường Trương Quyền, Q.3, TPHCM, đầy ắp các tượng và tác phẩm sắp đặt. Hàng ngày, Hoàng Himiko đều làm việc không ngừng nghỉ. Căn phòng bé xíu bên cạnh đó, cô dành cho dạy học. Người mẫu ngồi trong góc và học viên nước ngoài của Hoàng Himiko đang mê say nặn tượng. Mọi tham vọng hay tranh giành gì đó, đều ở rất xa nơi này.
Chúng tôi rủ nhau đi ăn trưa. Dưới cái nắng nóng Sài Gòn, Hoàng Himiko đi bộ 1 cách vô cùng loạng choạng nhưng vẫn rất cương quyết. Đó có phải xuất phát điểm từ cái tên rất nam tính của cô - nơi người ba kỳ vọng sẽ sinh cậu con trai út? Hay chỉ là “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”?
Với Hoàng Himiko, có lẽ là tất cả. Hồi nhỏ, thiệt tình là Hoàng chỉ chơi trò nặn đất sét mỗi khi chờ giở vó, vì Mỹ Tho quê cô xung quanh là nước và sình. Con nít mà, chơi cho vui rồi quên ngay. Có nghĩ gì đến đam mê hay nghệ thuật gì đâu. Nhưng Hoàng đọc rất nhiều sách nên muốn trở thành nhà văn. Cô thi đậu 2 trường: ĐH KHXH&NV và ĐH Sư phạm, lên Sài Gòn nhập học và tiếp xúc với tiếng Nhật. Đến khi biết về trường ĐH Mỹ thuật, dù đã học 2 năm ở trường ĐH KHXH&NV thì lại muốn nghỉ để thi vào khoa Hội họa. Cả gia đình truyền thống nhà giáo nên đều can ngăn. Khi ngăn không được thì cắt viện trợ. Nhưng Hoàng vẫn quyết theo. Chẳng có tiền luyện thi, cô được thầy giáo cho học ké vài buổi ở lớp đại học tại chức. Năng khiếu có sẵn, dù không được luyện bài bản gì nhưng năm đó, điểm thi hình họa của cô cao nhất phòng thi. Tuy nhiên, Hoàng trượt thẳng cẳng, bởi môn Văn điểm dưới trung bình do không làm tốt câu hỏi lý thuyết.
Cô nữ sinh cá tính đành ngậm ngùi vào nguyện vọng 2 Cao đẳng Mỹ thuật Biên Hòa. Cứ mỗi sáng, Hoàng chạy xe lúc 6h từ Sài Gòn xuống Biên Hòa, rồi lại quay ngược về Sài Gòn để đi làm thêm và học tiếng Nhật. Mà cứ chạy xe là buồn ngủ. Có bữa ngủ gục nên lủi xe vô lề té cái rầm. Hú hồn, đành nghỉ học sau 3 tháng đi tới đi lui.
Cuộc sống của Hoàng có bước ngoặt khi cô đăng ký thi và trúng tuyển vào vị trí phiên dịch tiếng Nhật cho công nhân. Bỏ hết tất cả ở Sài Gòn, những tính toán non nớt, những niềm vui và hạnh phúc của tuổi đôi mươi, Hoàng lên đường sang Nhật làm công việc phiên dịch kiếm tiền.
Sau 1 năm, cô về lại Sài Gòn và tiếp tục làm thủ tục thi vào trường Đại học Mỹ thuật. “Tôi nghĩ lại rồi, hồi trước mình thề không ai hay, có mình biết thôi à. Mà giờ thi vào khoa Điêu khắc để đỡ phạm vào lời thề!”, cô cười lớn.
Trúng tuyển, Hoàng Himiko như cá gặp nước. Vài bài tập của cô được giữ lại trong trường. Tốt nghiệp, Hoàng bắt đầu thành lập Himiko visual café, có những cuộc triển lãm cá nhân cho mình và bạn bè. Các tác phẩm của Hoàng Himiko được giới sưu tầm nước ngoài rất thích. Thành công đang tới với nữ nghệ sĩ trẻ thì tai nạn xảy ra. Sự nghiệt ngã của cuộc đời khiến Hoàng Himiko chao đảo, tưởng như đã chạm mặt tới Tử thần.
Hít thở sâu, để nước mắt khỏi chảy
Hoàng Himiko sinh ra trong 1 gia đình đặc biệt. Ngay từ nhỏ, cô đã nhìn thấy nỗi đau chịu đựng của mẹ khi phải chia sẻ tình cảm với người đàn bà khác. Những đứa con xen kẽ nhau giữa 2 người đàn bà giống như sự ban phát tình ái theo kiểu công bằng mà người đàn ông đào hoa đa tình thực hiện. Hoàng chìm trong những giấc mơ về gia đình hạnh phúc, chưa lúc nào nguôi.
Thời khắc bị tai nạn, Hoàng Himiko mới nhận lời yêu được 1 tuần. Người thương đã giấu gia đình, bay từ Singapore về để nắm tay và thì thầm những câu động viên khi cô hôn mê trong bệnh viện. Nhưng khi tỉnh lại, những triệu chứng xốc nổi đã khiến Hoàng khác đi ít nhiều. Và chuyện tình hạnh phúc chấm dứt. Được người thân, cộng đồng, bạn bè giang tay che chở, Hoàng Himiko hít thở sâu, để nước mắt khỏi chảy. Và leo dần tới chân dốc. Hoàng tập nói, tập đi, tập Yoga. Để sống tiếp đời này, để giữ lại những ký ức đẹp về tình yêu: “Nỗi ơn người vẫn là điều tôi gìn giữ”
Chơi với Hoàng Himiko, nghe câu chuyện cô kể, cười và chia sẻ với cô là niềm hãnh diện của tôi. Và biết, không thể khóc trước mặt Hoàng. Tôi chỉ biết khóc một mình, khi nhìn thấy sự đau đớn rúm ró của cô mỗi khi đi châm cứu, xung điện. Nước mắt chảy đi rồi, nhưng tình yêu đời này, là ở lại.