Học sinh nghĩ ‘điên mới đến phòng tâm lý học đường’

21:51 | 07/11/2018;
Ngô Hoàng Thùy Linh, học sinh (HS) lớp 11 trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chia sẻ, phòng tâm lý học đường rất hay nhưng đa số học sinh có suy nghĩ “đến phòng này là mình thần kinh”…
cc-i-biu-tham-gia-i-thoi.JPG
Đối thoại chính sách về “Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử” là hoạt động trong khuôn khổ Chiến dịch “Lan tỏa Yêu thương - Giáo dục không bạo lực” được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2018

Tại buổi Đối thoại chính sách “Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử” do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH tổ chức chiều 7/11, Thùy Linh chia sẻ, nhiều trường có mô hình phòng tâm lý học đường rất hay, nhưng đa số bạn bè Linh lại có suy nghĩ “mình đến phòng này là mình thần kinh”.

Trong khi thực tế, đây là nơi cán bộ tư vấn sẽ giúp HS giải tỏa được những khúc mắc, khó khăn không thể nói cùng ai. “Có lẽ vì cách xử lý của giáo viên, cũng như phụ huynh không tạo cho HS sự tin tưởng. Em thấy ở trường có tình trạng phân biệt đối xử, không hiểu tại sao các thầy cô giáo còn gọi các bạn là "cá biệt". Chỉ có người lớn gọi như thế, chúng em không ai gọi bạn của mình là "cá biệt”.

Linh dẫn chứng ngay trong gia đình, họ hàng của Linh cũng có tình trạng phân biệt đối xử, những đứa cháu học giỏi sẽ được thương hơn, cháu trai cũng được quý hơn cháu gái, rồi tình trạng so sánh với “con người ta” cũng thường xuyên diễn ra. Ngay cả giáo viên cũng đặt ra quy tắc ngầm, ví dụ như con gái học ban A không nên mặc váy vì không phù hợp. Cô cũng yêu quý các bạn học giỏi hơn. Cô có biết như vậy là phân biệt đối xử và khiến khoảng cách cô trò xa hơn không?

Là chuyên viên tâm lý trường THCS-THPT Nguyễn Siêu, cô Nguyễn Thu Huyền cho biết, từng tiếp xúc với nhiều HS khó khăn về tâm lý, bị cô lập, tẩy chay và thấy rằng những hành vi phân biệt đối xử với HS diễn ra ngay trong trường học, giữa HS với nhau và giáo viên cũng vậy.

Cô Huyền phân tích: HS phân biệt đối xử với bạn có lẽ do học từ chính hành vi của cha mẹ, người lớn. Cha mẹ so sánh trẻ chỉ vì muốn con trở nên tốt hơn, nhưng trẻ không cảm nhận được điều này, làm trẻ mất đi sự tự tin vào bản thân. Giáo viên cũng hay so sánh HS, phân chia lớp theo năng lực của HS. Giáo viên đem cả nhóm HS so sánh trên diện rộng, cả lớp đó được gắn “mác”.

Trong khi trên thực tế, đặc điểm trí tuệ của mỗi HS khác nhau. Có những em thông minh về toán học, logic, có em nổi trội về nghệ thuật… Tại sao những em thông minh về logic, toán học lại được ưu ái hơn những em vượt trội về mặt nghệ thuật, xã hội?

 

nguyen-thu-huyen.jpg
Cô Nguyễn Thu Huyền, chuyên viên tâm lý trường THCS-THPT Nguyễn Siêu: Có học trò bảo tôi, có những người sống đến 80 tuổi nhưng thực chất họ đã chết từ năm 15 tuổi. Tôi đã rất buồn khi nghe điều này vì phân biệt đối xử mà các em phải sống với suy nghĩ, mong muốn của người khác - Ảnh: An Huy

“Tôi biết có học trò đàn hay, vẽ giỏi nhưng lại buộc phải học các môn về kinh tế vô cùng chật vật, đau khổ”- cô Huyền kể- “Có học trò bảo tôi, có những người sống đến 80 tuổi nhưng thực chất họ đã chết từ năm 15 tuổi. Tôi đã rất buồn khi nghe điều này vì phân biệt đối xử mà các em phải sống với suy nghĩ, mong muốn của người khác. Muốn có đứa trẻ tốt phải giáo dục 20-30 năm trước khi đứa trẻ ra đời. Rất cần giáo dục để trẻ nhỏ biết tôn trọng sự đa dạng bằng sự yêu thương, sự tử tế”.

Theo cô Thu Huyền, người lớn phân biệt đối xử với trẻ em cũng đáng thương, bởi ít nhiều trong quá khứ người lớn cũng trải qua sự phân biệt đối xử này. Bản thân người lớn cũng cần chữa lành sự tổn thương của đứa trẻ bên trong mình.

Nhà trường cần đẩy mạnh phương pháp giáo dục tích cực để trang bị cho trẻ em kỹ năng lên tiếng tự bảo vệ bản thân, cũng như có phương pháp tiếp cận với xu hướng phát triển tự nhiên của trẻ, để các em có thể học đúng sở trường của mình.

Là chuyên gia về trẻ em, bà Lê Thị Khánh Vân cho rằng, trẻ em ngây thơ trong sáng nên học theo người lớn rất nhanh. Việc tác động làm thay đổi môi trường xung quanh trẻ cùng những thay đổi trong nhận thức và hành vi của người lớn như thầy cô, cha mẹ và sự đồng hành của các nhóm tư vấn trường học với vai trò là người giúp đỡ cũng giúp cải thiện tình trạng phân biệt đối xử với trẻ.

Ở trường nên đưa vào quy định nghiêm cấm HS trêu đùa nhắm vào giới tính, sự khuyết tật của bạn… Khi có nội quy và được giáo viên hướng dẫn, tôi tin trẻ sẽ làm tốt.

“Hiện tại, sách giáo khoa và các tài liệu truyền thông chỉ đề cập đến các bé trai, bé gái xinh đẹp, đã đến lúc cần xem xét việc có nên đưa các đối tượng khác vào không, trẻ da màu, khuyết tật… Phòng tâm lý học đường cũng phải được chuyên nghiệp hóa, người phụ trách không phải là giáo viên thì HS mới có thể thoải mái chia sẻ, tâm sự”, bà Khánh Vân đề xuất.

Đối thoại chính sách về “Bảo đảm quyền được bảo vệ của trẻ em khỏi các hình thức phân biệt đối xử” là 1 hoạt động trong khuôn khổ Chiến dịch “Lan tỏa Yêu thương - Giáo dục không bạo lực” được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2018.

 

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD: Môi trường thiếu tin cậy, chia sẻ và hỗ trợ trẻ ở cả trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội chính là những yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình phân biệt đối xử với trẻ. Đó cũng là lý do mà trẻ hầu hết lựa chọn việc im lặng, không làm gì cả khi bị phân biệt đối xử. Trên thực tế, cha mẹ, thầy cô, cộng đồng vẫn thường vô tình thực hiện các hành vi phân biệt đối xử trẻ, đặc biệt là về giới tính, tình trạng khuyết tật, năng lực, hoàn cảnh gia đình,… Trong nhiều trường hợp, sự so sánh của bố mẹ, thầy cô khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương, tạo ra tâm lý bực tức, giận dỗi, thậm chí là thù ghét cả người so sánh mình lẫn người được lấy ra làm hình mẫu để so sánh với mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn