Hơn 60% người Việt Nam bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh
07:10 | 16/09/2017;
Theo các chuyên gia y tế, tại Việt Nam có đến hơn 60% người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Đây là thực trạng đáng báo động, bởi nếu không phát hiện và điều trị can thiệp sớm, người mắc tiểu đường dễ tử vong.
Hiện Việt Nam có trên 5 triệu người mắc tiểu đường. Theo Bộ Y tế, con số này được dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) cho thấy, trên 50% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì căn bệnh này trước năm 60 tuổi.
Theo TS Nguyễn Thị Thục Hiền (khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai) nguyên nhân của tình trạng trên do nhiều bệnh nhân chưa có đầy đủ kiến thức về cách kiểm soát đường huyết cũng như chưa được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân khiến số người mắc bệnh đái tháo đường tăng cao và gặp nhiều biến chứng là do người dân ít kiểm tra sức khỏe định kỳ, không kiểm soát tốt đường huyết và ít vận động. Trong khi đó, cơ địa của người châu Á nói riêng và người Việt Nam nói chung có tỷ lệ mỡ tạng cao. Muốn kiểm soát đường huyết cần phối hợp cả ba yếu tố: Chế độ ăn uống, tập luyện và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho rằng, tiểu đường là bệnh mạn tính không lây đang gia tăng nhanh trên toàn thế giới. Bệnh đứng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong.
Điều nguy hiểm là bệnh tiến triển từ từ và không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt, khiến người bệnh chủ quan, không thường xuyên kiểm tra, cho đến khi bắt đầu có biến chứng như thấy mờ mắt, tê chân mới đi chữa trị. Lúc này, bệnh đã nặng và việc chữa trị rất tốn kém.
Trường hợp dễ mắc tiểu đường
Các chuyên gia y tế cho rằng, trước kia bệnh tiểu đường thường gặp ở người trên 40 tuổi tuy nhiên hiện nay lứa tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa. Hậu quả của tiểu đường rất trầm trọng như: Đột quỵ, mù lòa, nhồi máu cơ tim, suy thận, tổn thương bàn chân, loét chân có thể dẫn đến cắt cụt chi.
Tuy nguy hiểm nhưng phần lớn người mắc tiểu đường có thể phòng được. Cụ thể, mọi người nên thực hiện lối sống lành mạnh: Không hút thuốc, ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, giảm đường, giảm muối, không uống rượu bia ở mức gây hại, tăng cường hoạt động thể lực.
Bên cạnh đó, những người có nguy cơ cao mắc tiểu đường như: Trên 45 tuổi; có người trong gia đình bị tiểu đường; cao huyết áp; thừa cân, béo phì; mắc rối loạn mỡ máu; rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường máu lúc đói; từng sinh con quá 4kg hoặc bị tiểu đường thai kỳ, cần đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm bệnh, nếu mắc, nhằm có biện pháp điều trị sớm.
Nếu mắc tiểu đường, cần tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ. Cũng theo TS Dương, người mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm và tuân thủ chỉ định điều trị.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh tiểu đường
Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy của bệnh tiểu đường là thường xuyên khát nước, dù không vận động thể lực nhiều và cơ thể ít mất mồ hôi. Ngoài ra, bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi, gắt gỏng, mất ngủ. Nguyên nhân là bệnh nhân tiểu đường không có khả năng sử dụng glucose có trong thức ăn phục vụ cho các hoạt động hằng ngày mà lấy trực tiếp năng lượng từ mô mỡ của cơ thể để tạo ra năng lượng. Vì vậy, cơ thể phải dùng năng lượng nhiều hơn nên dẫn đến mệt mỏi hơn. Người mắc tiểu đường thường có cảm giác đói dữ dội. Ở bệnh nhân tiểu đường, lượng đường có trong máu cao và cơ chế của cơ thể là tiết ra nhiều insulin để chuyển hóa đường. Insulin trong cơ thể lại có khả năng kích thích cảm giác đói, insulin càng nhiều thì cơ thể càng cảm thấy đói. Biểu hiện nữa của người mắc tiểu đường là giảm cân nhanh; vết thương hay bầm tím lâu lành; hay mắc các bệnh nhiễm trùng, nấm, nhiễm trùng da… do hệ thống miễn dịch bị ức chế và lượng đường trong máu cao làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể. Khi mắc tiểu đường, các dấu hiệu da thường xấu đi, cảm giác ngứa ran, tê, sưng; hay đi tiểu đêm, khả năng thị giác kém hơn trước.