Hốt hoảng khi bắt gặp con chat sex

13:09 | 02/12/2015;
Hôm ấy, tôi cùng chồng mở chiếc iPad, thấy lưu tài khoản facebook của con gái vừa mượn bố vào mạng. Tôi rụng rời khi đọc được một đoạn chat sex của cô con gái.

Người mẹ đó kể tiếp: '"Tôi bị ám ảnh bởi câu nói từ bạn chat của con: 'Anh thấy nóng quá, em chụp ảnh cho anh xem một chút cơ thể của em đi!. Khi bị bố mẹ phát hiện, con tôi sợ quá đã… uống thuốc tự tử'". Đó là câu chuyện diễn ra cách đây không lâu khiến TS Vũ Thu Hương (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) vẫn bàng hoàng mỗi khi nhớ lại.

Cô bé đó lập facebook được 4 tháng thì có 1 người làm quen. “Nói chuyện” với nhau được 2 lần thì người đó bắt đầu dụ dỗ cô bé chat sex. Đêm hôm đó, nữ sinh lớp 8 bị bố mẹ mắng, tự thấy mình "dơ bẩn” nên nghĩ quẩn đã uống thuốc tự tử. May mà bố mẹ phát hiện kịp thời và đưa con tới bệnh biện rửa ruột giữa đêm. 2h sáng, vị phụ huynh ở Hà Nội khóc òa, gọi điện cho chị Hương để nhờ tư vấn trong tâm trạng hoảng loạn.

kt-cdm7513-phimsex1.jpg

Cha mẹ cần chủ động trang bị cho con kiến thức sử dụng internet an toàn. (Ảnh minh họa: nguồn kienthuc.net.vn)

Thực tế, không ít phụ huynh chưa quản lý, hướng dẫn con sát sao trong việc truy cập mạng internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Thiếu hiểu biết và kinh nghiệm non nớt, nhiều em nhỏ đã trở thành “miếng mồi ngon” cho kẻ xấu, dễ dàng gặp phải những nội dung mang tính tiêu cực, bạo lực, đồi trụy,…

Theo bà Quách Thu Trang (Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số-CCIHP), việc bị gạ gẫm tình dục, bị bắt nạt và tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm qua internet có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống của trẻ vị thành niên. “Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, trở nên thiếu tự tin, có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống và thậm chí có ý định tự tử… Đã có trường hợp một nữ sinh (SN 1995, ở Thạch Thất, Hà Nội) tự tử bằng thuốc trừ sâu do bị bạn cùng lớp ghép ảnh ăn mặc hở hang rồi tung lên mạng và bị bạn bè trêu chọc”, bà Trang chia sẻ.

Đại tá Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết: Các loại hình tội phạm đang dịch chuyển dần sang phương thức thủ đoạn mới có sử dụng công nghệ cao, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em qua mạng như phát tán phim, ảnh khiêu dâm; đe dọa, tống tiền, lợi dụng mạng internet để làm quen và xâm hại trẻ em. Từ khi thành lập vào năm 2010 đến nay, mỗi năm Cục nhận được hàng chục đề nghị từ cảnh sát quốc tế về việc phối hợp điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên mạng internet. Cách tiếp cận phổ biến và tinh vi là qua các web khiêu dâm, qua các trang mạng xã hội như facebook, twitter…, qua chat ở cửa sổ chơi game. Với cách này, tội phạm không cần lộ diện, không mất công, nhưng hiệu quả cao hơn.

Theo TS. Nguyễn Thị Lan (Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em Việt Nam), trong điều kiện kiểm soát mạng và kiểm soát xã hội của Việt Nam còn lỏng lẻo, thì việc quản lý của cha mẹ là hết sức quan trọng. Việc sử dụng internet đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, rất hấp dẫn với trẻ em và độ tuổi vị thành niên, trong khi các dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh ở nước ta hiện còn thiếu hoặc nếu có thì giá cả không phù hợp để các em có thể thụ hưởng. Qua các trò chơi, hoạt động trên mạng, trẻ em là nhóm đối tượng dễ rơi vào cạm bẫy do cả tin và thiếu hiểu biết, kinh nghiệm. Do đó, các thành viên trong gia đình cần phải biết cách bảo vệ con, đặc biệt là phải trang bị cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình.   

TS Vũ Thu Hương cho rằng: Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, không nên đưa những thông tin cá nhân lên trên các trang mạng xã hội, nhất là các thông tin về địa chỉ, thân thế, nơi làm việc, trường lớp. “Phụ huynh cần ý thức và định hướng cho trẻ không nên chia sẻ ảnh của cá nhân và người thân. Đặc biệt là không chia sẻ ảnh nhạy cảm của trẻ nhỏ, bởi điều này có thể vô tình gây ra rất nhiều nguy hiểm cho chính các bé, trở thành mồi ngon cho kẻ xấu”, bà Hương khuyến cáo.

* Báo cáo “Thanh niên Việt Nam với mạng internet” của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) vào năm 2014: Cha mẹ, ông bà, thậm chí anh chị, những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ lại không phải là người dẫn đầu trong gia đình về việc sử dụng công nghệ thông tin mà thường là những người chưa thành niên bởi có lợi thế tiếp xúc hơn các thành viên khác.

* Khao sát của CCIHP năm 2014: Trẻ bị bắt nạt, dụ dỗ, gạ gẫm thường là những em hay đăng các hình ảnh hoặc video nhạy cảm, khêu gợi của cá nhân; tỉ lệ bị bắt nạt qua mạng có xu hướng thấp hơn ở trẻ vị thành niên mà bố mẹ có hướng dẫn ít nhất 1 nội dung về sử dụng internet an toàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn