Hướng dẫn 2 cách phân loại hen phế quản

15:00 | 19/03/2020;
Hen phế quản là tình trạng y tế gây ra khò khè, khó thở và ho. Để dễ dàng kiểm soát và điều trị hen phế quản, người ta phân loại chúng. Có 2 cách phân loại hen phế quản phổ biến nhất là dựa vào mức độ và dựa vào nguyên nhân gây bệnh.

1. Phân loại hen phế quản dựa theo mức độ bệnh

Dựa vào tình trạng nặng - nhẹ của bệnh, có 4 phân loại hen phế quản như sau:

1.1. Hen phế quản ngắt quãng (intermitent asthma)

- Hen phế quản ngắn quãng hay còn gọi là hen phế quả bậc 1, hen phế quản độ 1.

- Là tình trạng các triệu chứng như khó thở, thở khò khè , tức ngực và ho xảy ra ít hơn 2 ngày/tuần. Các triệu chứng ban đêm xảy ra ít hơn 2 ngày/tháng.

- Các hoạt động hàng ngày không bị ảnh hưởng bởi hen phế quản ngắt quãng.

- Các xét nghiệm chức năng phổi bình thường khi người bệnh không lên cơn hen.

1.2. Hen phế quản nhẹ, dai dẳng (mild persistent asthma)

- Hen phế quản nhẹ, dai dẳng hay còn gọi là hen phế quả bậc 2, hen phế quản độ 2.

- Các triệu chứng xảy ra vào hơn 2 ngày một tuần nhưng không xảy ra mỗi ngày. Các triệu chứng ban đêm xảy ra 3 đến 4 lần một tháng.

- Các hoạt động hàng ngày bị ảnh hưởng bởi các cơn hen nhẹ và dai dẳng.

- Các xét nghiệm chức năng phổi bình thường khi người bệnh không lên cơn hen.

1.3. Hen phế quản trung bình, dai dẳng (moderate persistent asthma)

- Hen phế quản trung bình, dai dẳng hay còn gọi là hen phế quả bậc 3, hen phế quản độ 3.

- Triệu chứng xảy ra hàng ngày. Các triệu chứng ban đêm xảy ra nhiều hơn 1 lần một tuần, nhưng không xảy ra mỗi ngày. Bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc hen suyễn tác dụng ngắn mỗi ngày.

- Các triệu chứng can thiệp vào các hoạt động hàng ngày.

- Các xét nghiệm chức năng phổi là bất thường.

1.4. Hen phế quản nặng, dai dẳng (Severe persistent asthma)

- Hen phế quản nặng, dai dẳng hay còn gọi là hen phế quả bậc 4, hen phế quản độ 4.

- Các triệu chứng xảy ra mỗi ngày. Triệu chứng ban đêm xảy ra thường xuyên, đôi khi mỗi đêm.

- Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thể chất hàng ngày.

- Các xét nghiệm chức năng phổi là bất thường.

2. Phân loại hen phế quản dựa theo nguyên nhân gây bệnh

Dựa theo các tác nhân gây bệnh, có 4 phân loại hen phế quản như sau:

2.1. Hen phế quản nội sinh (intrinsic asthma)

- Hen nội sinh còn gọi là hen nhiễm trùng, hen không Atopy, là phân loại hen phế quản không do dị ứng.

- Thường gặp ở những người trên 30 tuổi, với các triệu chứng hen dai dẳng.

- Rất khó để xác định yếu tố làm bùng nổ cơn hen, thường là do nhiễm trùng.

- Xét nghiệm IgE máu bình thường, test da âm tính.

2.2. Hen phế quản ngoại sinh (extrinsic asthma )

- Hen ngoại sinh còn gọi là hen Atopy, là phân loại hen phế quản do dị ứng.

- Là phân loại hen phế quản phổ biến nhất, khởi phát từ khi còn trẻ.

- Nguyên nhân làm bùng nổ cơn hen thường là do các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông thú cưng, nấm mốc,....

- Xét nghiệm test da dương tính với dị nguyên.

2.3. Hen phế quản do nghề nghiệp (ocupational asthma)

- Là phân loại hen phế quản đặc biệt của hen ngoại sinh. Là tình trạng bệnh nhân bị gặp các phản ứng rối loạn đường thở tại nơi làm việc.

- Nguyên nhân gây bệnh là do toàn bộ hoặc do 1 phần các tác nhân ở nơi làm việc, và không do các tác nhân khác ngoài nơi làm việc. Tùy vào tính chất công việc mà các tác nhân sẽ khác nhau, có thể là do động vật, thực vật, Enzym sinh học, nhựa, cao su, bụi gỗ, kim loại, thuốc,.....

2.4. Hen phế quản do mẫn cảm với aspirin (aspirin induced asthma)

- Là phân loại hen phế quản đặc biệt của hen nội sinh.

- Nguyên nhân là do người bệnh nhạy cảm với thuốc aspirin, thuốc tác động đến đường thở làm bùng phát cơn hen.

- Một trong 4 xét nghiệm kích thích với aspirin (bao gồm xét nghiệm kích thích đường uống, xét nghiệm kích thích tại mũi, xét nghiệm kích thích phế quản và xét nghiệm kích thích đường tĩnh mạch) cho kết quả dương tính.

Khi phân loại hen phế quản mọi người cần chú ý thực hiện phân loại trước khi điều trị. Sự phân loại có thể thay đổi theo thời gian, nên mọi người cần đi thăm khám định kỳ để thay đổi phương pháp điều trị phù hợp. 

Quan trọng nhất là dù một người bị hen phế quản loại nào cũng đều có nguy cơ bị lên cơn hen nặng, do đó cần chú ý giữ gìn sức khỏe, luôn mang theo thuốc bên người. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi, triệu chứng hen có thể khác với người lớn, do đó rất khó để phân loại hen phế quản.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn