Để có thể lập kế hoạch chăm sóc người bệnh xơ gan một cách chính xác nhất, cần nhận định xem bệnh nhân ở giai đoạn xơ gan nào từ đó có phương án chăm sóc thích hợp.
Dựa trên các thông tin đã thu thập được sau khi bệnh nhân được thăm khám. Các chẩn đoán cần làm trước khi thực hiện chăm sóc người bệnh xơ gan có thể bao gồm:
- Bệnh nhân gầy sút, ăn kém do chức năng gan suy giảm.
- Cổ trướng, phù do tăng áp lực tĩnh mạch cửa và giảm áp lực keo.
- Nguy cơ biến chứng chảy máu tiêu hóa.
- Nguy cơ biến chứng hôn mê gan.
- Bệnh nhân không biết ngăn ngừa và phòng bệnh do thiếu kiến thức về bệnh.
Từ những chẩn đoán bên trên, kế hoạch chăm sóc người bệnh xơ gan cần tuân theo những nguyên tắc sau đây:
- Đảm bảo dinh dưỡng cho bệnh nhân, tăng cường chức năng gan.
- Làm giảm phù và cổ trướng.
- Theo dõi và phát hiện biến chứng chảy máu tiêu hoá.
- Theo dõi đề phòng hôn mê gan.
- Giáo dục sức khoẻ.
Để có thể chăm sóc người bệnh xơ gan hiệu quả, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đặc biệt là trong chế độ ăn của người bệnh xơ gan cần phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng với các thành phần như sau:
- Đường: Tỷ lệ đường các loại chỉ nên chiếm 40% trong thức ăn. Điều này là do đường vừa có tác dụng bảo vệ gan, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, lại vừa giảm thiểu dự phân giải protein. Tuy nhiên, bởi vì chức năng gan của người bệnh bị tổn thương, nếu ăn quá nhiều đường sẽ làm cho người béo lên, thậm chí hình thành gan nhiễm mỡ, từ đó làm tăng gánh nặng cho gan.
- Protein: Việc bổ sung protein trong chăm sóc người bệnh xơ gan cần tùy theo mức độ thiếu protein và tình trạng bệnh của từng người. Nếu người bệnh ăn được thì dùng cách ăn uống, nếu tiêu hóa kém cần truyền acid amin, đạm, huyết tương.
Mỗi ngày, bệnh nhân xơ gan cần 60g protein trong thức ăn. Nên ăn thay đổi cá, thịt nạc, trứng, sữa các loại, chế phẩm đậu nành. Khi có chiều hướng tổn hại gan, mỗi ngày không nên vượt quá 20g.
- Mỡ: Người bệnh xơ gan cần ăn các loại thức ăn ít mỡ để giảm bớt gánh nặng cho gan. Thay vào đó hãy tăng cường bổ sung protein, đường, phòng ngừa phát sinh gan nhiễm mỡ.
- Vitamin và nguyên tố vi lượng: Rau quả tươi có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nguyên tố vi lượng, là loại thức ăn tốt nhất trong khi chăm sóc người bệnh xơ gan. Chú ý bổ sung các loại vitamin B1, B2, C, E, K và các nguyên tố vi lượng như kẽm, silic. Với những trường hợp bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng thiếu vitamin, cần cho uống hoặc tiêm bắp, tiêm dưới da.
Bên cạnh đó, cần hạn chế một số điểm sau trong chế độ ăn khi chăm sóc người bệnh xơ gan để tình trạng bệnh không trở nên trầm trọng hơn:
- Tuyệt đối không được uống rượu, cồn rượu vì có thể làm cho tế bào gan bị tổn thương cấp, aminophearaza tăng cao, viêm gan nặng hơn, dẫn đến chứng mỡ gan, viêm gan nghiện rượu và xơ gan.
- Nên ăn ít các loại thức ăn kích thích như hành, gừng, ớt…, bởi đây là những thức ăn cay nóng, trợ thấp nhiệt, làm cho thấp nhiệt ở gan nặng thêm, khiến cho các triệu chứng lâm sàng càng nặng hơn.
- Tránh đồ rán béo ngậy trong khi chăm sóc người bệnh xơ gan bởi chúng rất khó tiêu.
- Người bệnh không nên kiêng ăn quá mức, nhất là phải ăn đầy đủ chất thì mới có thể nhanh chóng tái tạo tế bào.
- Nên ăn các loại đạm thực vật (ví dụ các loại đậu) vì có chứa nhiều acid amin phân nhánh rất tốt cho gan.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn