Khi tôi liên lạc, Huỳnh Dũng Nhân nói anh phải "nấu bữa tối cho 2 đứa con đã. "Mama tổng quản" đang đi công tác Hà Nội rồi". "Mama tổng quản" là cách Huỳnh Dũng Nhân thường gọi bà xã Bùi Thị Mai một cách tếu táo.
Chúng tôi trao đổi cùng nhau những câu chuyện nghề, chuyện đời, nhắc lại kỷ niệm những bữa ăn, những lần cà phê lang thang cùng các đồng nghiệp. Tất nhiên, không thể không nói tới cuốn Hồi ký "Đi, yêu và viết" mà Huỳnh Dũng Nhân chuẩn bị ra mắt bạn đọc vào dịp 21/6 – Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Vừa nói chuyện, Huỳnh Dũng Nhân vo gạo cắm nồi cơm điện, tiện thể bỏ vài trái trứng vịt vào nồi cơm. "Chút tụi nhỏ ăn cơm trứng luộc cùng nước mắm. Thế là xong!".
Rồi Huỳnh Dũng Nhân nhắc: "11/6 là ngày cưới của anh. Hồi anh cưới, em cũng đi dự nhỉ!?". Tôi gật đầu xác nhận: "Có!".
Huỳnh Dũng Nhân cưới Mai 19 năm trước. Thời đó Mai thần tượng ông thầy chuyên viết phóng sự mà gật đầu đồng ý. Giờ, "ông thầy" nghỉ hưu, mấy năm trước lại trải qua cơn đột quỵ ngoài Hà Nội tưởng đã nguy kịch. Nhưng Trời thương, thêm bàn tay chăm sóc, thu vén khéo léo của Mai, mà mọi việc đã ổn thỏa. Huỳnh Dũng Nhân hồi phục, viết xong cuốn sách Đi, yêu và viết. Năm trước còn triển lãm tranh chân dung bạn bè.
PV: Tên Huỳnh Dũng Nhân từng là bảo chứng cho các Phóng sự dịch chuyển - đúng nghĩa Đi và viết. Tuy nhiên, gần đây, khi ngồi nói chuyện nghề với nhà báo Cao Hùng, tôi lại vô cùng ngạc nhiên khi biết anh từng làm các bài Điều tra theo đơn thư bạn đọc thời làm báo Tuổi Trẻ. Hẳn anh có rất nhiều chuyện chia sẻ khi tác nghiệp ở thể loại Điều tra này...
Huỳnh Dũng Nhân: Những năm đầu làm ở báo Tuổi Trẻ, tôi lần lượt được phân công viết nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh quốc phòng, nội chính, liên quan ít nhiều đến pháp luật. Nên có những vụ việc liên quan đến điều tra tôi cũng phải lao vào. Tôi không nhớ được mình đã điều tra bao nhiêu vụ, chỉ nhớ là giai đoạn này khá căng thẳng. Đó là những vụ điều tra về vụ bắt cóc, vụ oan sai, vụ hành hung CSGT, những vụ tiêu cực kinh tế ở vài đơn vị này nọ.
Có nhiều vụ điều tra thành công. Nhưng cũng có những vụ chưa được như mong muốn. Điển hình như vụ bắt người oan sai ở Q.6, TPHCM, mà gần đây báo chí đang lật lại hồ sơ vì nạn nhân vẫn đang kêu oan, đi kiện khắp nơi.
Có những vụ người ta dọa xử tôi bằng lựu đạn. Cũng có người đòi moi tim gan tôi xem nó lớn thế nào. Nhưng khi mình đúng và có một tập thể mạnh đằng sau thì may mắn việc đó đã không xảy ra. Tôi vẫn còn được đi, yêu và viết cho đến hôm nay...
PV: Anh đã đi, viết, dạy học, quản lý báo chí và gần đây là cuộc dạo chơi hội họa vẽ chân dung. Chừng đó công việc, vẫn thấy Huỳnh Dũng Nhân hăng say lắm. Nhưng anh say nhất, hình như là ... Yêu?!
Huỳnh Dũng Nhân: Tôi đã trưởng thành từ một phóng viên bình thường. Viết đủ thể loại và các lĩnh vực khác nhau. Tôi làm báo khoảng 7- 8 năm thì bắt đầu có chút tên tuổi, được bạn đọc chú ý. Vì thể loại phóng sự thời đó ít người viết nên tôi được coi là có thế mạnh hơn thôi.
Sau ít năm làm báo, tôi được mời giao lưu, đi nói chuyện nhiều nơi và cuối cùng là được Đại học KHXH và NV TPHCM mời dạy thỉnh giảng. Rồi từ đó tôi được nhích lên vài cương vị khác nhau. Nhưng tôi vẫn viết đều, viết khỏe cho dù ở cương vị công tác nào. Hai năm nay tôi bị tai biến phải nằm nhà, tôi vẫn viết và có khi còn viết khỏe hơn cả lúc đang công tác. Tôi bị yếu tay trái, phải móc điện thoại vào tay để gõ, sợ điện thoại rớt.
Tết vừa qua tôi có 30 bài báo Xuân. Hai năm bị tai biến không tung tẩy được thì tôi làm thơ, in được 3 tập thơ, 1 tập truyện ngắn và tập hồi ký Đi, yêu và viết này, rồi tôi được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. Một năm nay thì tôi tập vẽ chân dung. Nhờ có chút năng khiếu nên tôi vẽ có tiến bộ. Năm qua tôi đã tổ chức triển lãm 3 lần ở Hà Nội. Và cũng hơn 1 năm nay tôi đã đi được 25 tỉnh thành để thực hiện các chương trình của mình.
Như các bạn thấy, tôi là người luôn muốn hành động, muốn làm việc, không chịu ngồi yên. Cái gì tôi cũng đam mê, cũng say. Tôi cũng là người yêu nhiều và thích được yêu. Yêu giúp giúp người ta thăng hoa trong cuộc sống và trong sáng tác. Tôi được yêu nhiều hơn.
Nhưng tôi cũng xin nói rõ thế này, tôi viết chữ yêu trong tựa sách là "yêu và viết" có nghĩa là yêu nghề viết, yêu đời, yêu con người chứ không phải là tình yêu đôi lứa…
(Và, cũng không dám nói gì nhiều hơn, vì "Mama tổng quản" cho "ăn đòn" ngay. Đang xin tiền vợ để… in sách đây!)
PV: Gốc Nam bộ, mà lại nói giọng Bắc, trong anh có đủ "Nam Bắc một người". Có lẽ anh nhiều thuận lợi hơn các đồng nghiệp của mình cũng vì điểu này? Sự am hiểu, nền tảng văn hóa đa dạng của vùng miền?
Huỳnh Dũng Nhân: Tôi là người Nam bộ chính gốc. Ba tôi người Bến Tre. Mẹ tôi người Kiên Giang. Hai cụ cưới nhau trong kháng chiến tại Cà Mau. Khi tập kết ra Bắc tới Thanh Hoá thì tôi ra đời.
Tôi lớn lên ở Hà Nội 20 năm sau mới vào Nam sinh sống và tôi vẫn giữ nguyên giọng Bắc. Nhưng bây giờ trong tôi có cả một chút Trung vì vợ tôi người Quảng Ngãi. Vì thế văn hoá của tôi cứ như "dân ca ba miền". Điều đó cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phong cách viết của tôi.
PV: Huỳnh Dũng Nhân dạy học rất duyên dáng, anh còn viết sách dành cho việc giảng dạy báo chí. Giữa khoa học lý luận và thực tiễn của nghề, có cách biệt nhiều hay không? Anh là "đầu bếp nấu ăn" uyển chuyển như thế nào?
Huỳnh Dũng Nhân: Tôi viết phóng sự và có nghiên cứu phóng sự và một số thể loại khác. Tôi có thực tiễn và có cả lý luận nên việc giảng dạy cũng thuận lợi hơn. Sinh viên làm luận văn về phóng sự của tôi cũng nhiều. Có lẽ sinh viên báo chí thích các bài giảng của tôi vì nó thuộc mảng "cây đời mãi xanh tươi" chứ không chỉ là "mọi lý thuyết màu xám".
Sinh viên đã đúc kết vui thế này: Thầy Huỳnh Dũng Nhân là người có nhiều cái nhất như: nhiều chức vụ nhất; nhiều tác phẩm nhất; vui tính nhất; và… lùn nhất. Nói cách nào đó tôi biết kết hợp thực tiễn và lý thuyết. Tôi đi dạy phóng sự là đưa sinh viên đi thực tập tỉnh xa chứ không chỉ ngồi trong lớp. Các bài tập đưa ra cũng đầy chất đời chứ không chỉ có lý thuyết mà thôi. Tôi thường giúp đỡ gần gũi với sinh viên chứ không xa cách với sinh viên. Tôi "nấu ăn" thì dở nhưng pha chế hòa trộn các thái cực khác nhau thì khéo hơn, dễ được người khác chấp nhận hơn.
PV: Cuốn hồi ký "Đi, yêu và viết" đúng chất của Huỳnh Dũng Nhân. Nhưng hỏi thật, anh có đắn đo nào muốn viết mà vẫn chưa đưa câu chuyện vào trong cuốn sách này hay không?
Huỳnh Dũng Nhân: Câu hỏi thật sẽ được trả lời thật. Có những điều tôi còn đắn đo không viết ra trong cuốn sách này. Đó là những gì thuộc về những lần tôi chuyển công tác khỏi một tờ báo ngay lúc được coi là chủ lực của báo đó. Hay những câu chuyện mờ ám trong công tác tổ chức cán bộ, chuyện bầu bán, chuyện tiêu cực nội bộ.
Có người bảo tôi sống trên mây chả biết gì chuyện mặt trái. Nhưng thực ra tôi biết chút chút, song vì không biết rõ nguồn gốc nên không muốn can thiệp. Nói chung tôi cũng là người "dĩ hoà vi quý" trong cơ quan. Vì thế khi viết cuốn sách này tôi cũng không muốn nhắc những chuyện căng thẳng.
Lúc tìm tựa sách, có người gợi ý, hồi xưa nhà báo Vũ Bằng viết sách "Bốn mươi năm nói láo" thì bây giờ nhà báo Huỳnh Dũng Nhân viết sách "Bốn mươi năm nói thật" đi. Tôi đã trả lời rằng: "Tôi viết hồi ký tác nghiệp, nghiệp vụ là chính. Ít nói gì về các mặt trái sự đời, nên chả cần gì phải nói láo hay nói thật cả".
PV: Thôi, đọc thơ của anh chút đi cho đời luôn tươi xanh nào!
Huỳnh Dũng Nhân: Nếu mai là ngày cuối trên đời/ Thì tôi sẽ vứt bỏ đi tất cả/Chỉ mang theo tình yêu thôi/Tình yêu này cho tôi là tôi/Nếu một mai tôi sẽ xa mọi người/Xin cảm ơn tôi đã được yêu rồ/Xin hãy dành cho tôi phút cuối/Để tôi nói lời yêu thương con người/ Nếu ngày mai tôi mãi mãi đi rồi/Thì người ơi tôi chỉ tiếc tình yêu thôi/ Nếu ngày mai tôi sẽ bay lên trời/Xin cảm ơn tôi đã được yêu rồi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn