Isaac Newton: Vượt lên mọi bất hạnh cuộc đời để cống hiến

16:22 | 03/12/2015;
Sir Isaac Newton (25/12/1642- 20/3/1727) là nhà vật lý, nhà toán học, thiên văn học, triết học tự nhiên, nhà giả kim học và nhà thần học vĩ đại của thế giới.
Với những thành tựu quan trọng đặt nền móng cho nhiều ngành khoa học, Isaac Newton được coi là “nhà bác học vĩ đại trong các nhà bác học vĩ đại” của thế giới. Cuốn sách của ông mang tên “Principia” được xem là cuốn sách khoa học quan trọng nhất từng được viết ra, trong đó Newton đưa ra những học thuyết quan trọng mô tả vạn vật hấp dẫn, ba định luật chuyển động cùng những quan điểm về khoa học và vũ trụ đã trở thành nền tảng cho các khoa học trong suốt ba thế kỷ sau khi ông qua đời. Newton còn là nhà bác học sáng tạo nên kính thiên văn đầu tiên, người phát hiện ra quang phổ, luật thực nghiệm làm mát và tốc độ của âm thanh… Những câu chuyện về cuộc đời ông từ cậu bé nông thôn ốm yếu cho đến ngày nay vẫn được kể mãi, kể mãi không thôi.
  1. Học hỏi
Nếu tôi có thể đi xa hơn so với những người khác là vì dám đứng trên vai những người khổng lồ
Cậu bé Newton khi sinh ra là đứa trẻ sinh non sau khi người cha mất được 3 tháng, nhỏ đến mức để vừa trong một cái bình 1,5 lít. 3 tuổi, mẹ ông tái hôn với người chồng mới, để lại con trai cho bà ngoại chăm sóc. Newton lớn lên trong sự chăm sóc của bà ngoại và những lời trêu trọc, thậm chí bắt nạt của những đứa trẻ cùng trường. Tức giận, buồn bã vì bị coi thường và hoàn toàn cô đơn, Newton dồn toàn bộ tâm trí vào việc học và khám phá thế giới khoa học kỳ thú. Từ khi còn nhỏ đã thông thạo tư tưởng của các nhà triết học cùng những khám phá của các nhà khoa học lớn thời đó như Plato, Aristotle, Galileo. Khi học Đại học Cambrigde, Newton tiếp tục những nghiên cứu của mình trải rộng trên khắp các lĩnh vực từ toán học, vật lý học, thiên văn học, triết học với những nhà khoa học nổi tiếng. Newton luôn khẳng định, trước khi là một nhà nghiên cứu với những phát minh của riêng mình, ông là một người ham học hỏi để tìm hiểu tất cả những gì người đi trước đã làm mà ông gọi là “đứng trên đôi vai của những người khổng lồ”.
NEWTONtumblr_ly9u2goA0J1qmjlwpo1_1280.jpg

 Newton có những nghiên cứu trải rộng, từ toán học, vật lý học, thiên văn học đến triết học...

  1. Kiên nhẫn
Nếu tôi đã mang lại được bất cứ điều gì phục vụ nhân loại thì đó là nhờ kiên nhẫn suy nghĩ
Không phải chỉ Newton mới nói về kiên nhẫn như một đức tính đầu tiên mà một nhà khoa học cần có. Thomas Edison khẳng định, thành tựu của ông chỉ có 1% là tài năng và 99% cần cù, nhẫn nại. Albert Einstein cũng nói “Thành công tôi có không phải vì tôi rất thông minh, đó chỉ là tôi ở lại với những vấn đề lâu hơn những người khác”. Một nhà khoa học phải là người gắn với vấn đề của mình như những con tem bưu chính, gắn chặt và ở đó cho đến khi kết thúc hành trình của mình. Newton gắn bó với vấn đề nghiên cứu của mình như thể đó là điều duy nhất tồn tại, thậm chí có lúc ông không thay quần áo, không rời đôi giày, không ngồi xuống cho một bữa ăn vì không muốn lãng phí thời gian nghiên cứu. Để nghiên cứu chuyển động của hành tinh theo quỹ đạo elip, Newton đã mất 6 năm cho một câu trả lời. Khi căn bệnh dịch hạch cướp đi của Newton sức khỏe và toàn bộ ghi chép, Newton cũng không bỏ cuộc. Để chứng minh định luật vạn vật hấp dẫn, Newton đã phải mất tới 16 năm nghiên cứu. Định luật đã bắt đầu trong Newton từ khi còn là một sinh viên trẻ 20 tuổi trong trường đại học bị trái táo rơi trúng đầu cho đến khi Newton 43 tuổi, ông mới hoàn thành chứng minh của mình. Cuốn sách Principia đã được Newton viết miệt mài không ngừng nghỉ trong suốt 18 tháng. Làm việc với một tinh thần kiên nhẫn đến quên mình, Newton không chỉ đi qua những vất vả, bất hạnh mà cả những tranh cãi, những lời miệt thị, phản đối để đến được với sự công nhận của nhân loại.
  1. Và một cuộc sống cô đơn
Tôi đã xây dựng trong cuộc đời mình quá nhiều những bức tường và không một chiếc cầu
Isaac Newton không kết hôn. Ông cũng không hề có một mối quan hệ lãng mạn và không đến gần một người phụ nữ nào trong suốt cuộc đời. Sinh ra như một đứa trẻ mồ côi ốm yếu nhưng ham học, trưởng thành trong cô đơn với niềm đam mê khoa học, Isaac Newton thậm chí hầu như không bao giờ sử dụng giường của mình. Ông chỉ có những giấc ngủ ngắn vài tiếng đồng hồ trên ghế tựa. Newton hiếm khi rời phòng làm việc, không hề có một sở thích riêng và bắt đầu bạc tóc từ tuổi 30. Vào cuối cuộc đời mình, Newton đã mắc chứng suy nhược thần kinh nghiêm trọng. Cô đơn và hỗn loạn, Newton đã đến sống với gia đình cô cháu gái cho đến khi qua đời trong khi ngủ. Sau khi ông chết, kiểm nghiệm trên tóc Newton thấy thủy ngân với hàm lượng lớn. Người ta cho rằng Newton đã bị nhiễm độc bởi chính những nghiên cứu của ông về giả kim thuật. Sau khi Newton qua đời, trên bức tượng tưởng niệm ông, người ta đã khắc câu thơ của Luycrexơ “Người đã vượt lên tất cả những thiên tài” bởi hơn ai hết, Newton là người đã vượt lên tất cả những bất hạnh của cuộc đời mình để mang đến những thành tựu vĩ đại cho nhân loại./.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn