Khi nào con cười vui trở lại?

16:16 | 18/10/2013;
“2 giờ khuya, mẹ không tài nào ngủ được. 4 ngày con uống thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, thêm 3 ngày bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 kê đơn cho con nhưng con vẫn không đỡ. Hôm qua con còn bị ói, chân tay run bần bật. Lòng mẹ đau lắm...”.

Đó à những dòng nhật ký nguệch ngoạc mà chúng tôi vô tình đọc được từ tờ giấy xếp vội kẹp trong cuốn sổ khám bệnh của bé Thanh Huyền (11 tháng tuổi), nhà ở Thủ Đức (TPHCM). Ở cuối phòng cấp cứu Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Đồng 2), mẹ của bé, chị Trần Thị Thu Thủy (23 tuổi), đang cố nhét bình sữa vào miệng con. Nhìn đứa trẻ đang nằm gọn trong vòng tay, người phụ nữ này hốt hoảng: “Con em bú vào lại ói ra, giúp em với!”. Vừa lấy chiếc khăn lau vội luồng bọt trắng đang trào ra trên miệng con, chị Thủy vừa mếu máo gọi y tá.

Vợ chồng chị Thủy chăm con tại bệnh viện (Ảnh chụp 18/10/2013)

Từ Quảng Bình vào TPHCM làm công nhân từ khi mới 17 tuổi, chị Thủy chỉ xác định “nai lưng” làm vài năm, tích cóp vốn rồi về quê lập nghiệp. Nhưng rồi, 2 năm sau, chị gặp và yêu người đồng nghiệp là anh Trần Văn Cảnh (quê Nghệ An). Sau một đám cưới đơn giản, mọi dự định của chị Thủy bị đảo lộn. Chị kể: “Làm việc trong môi trường khá độc hại do phải tiếp xúc với bụi gỗ, em gầy rộc đi, bắt đầu đổ bệnh. Hai vợ chồng dự định “bám trụ” thêm một thời gian rồi xin công việc khác để đảm bảo sức khỏe. Nhưng kinh tế khó khăn, các công ty, xí nghiệp đều cắt giảm biên chế, nên chúng tôi không thể tìm được việc nào khác “dễ thở” hơn”.

Dù cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị vẫn quyết định sinh con. Khi vợ đang mang thai, anh Cảnh phải xin nghỉ việc để về quê chăm sóc bố bệnh nặng, không ngờ sau đó anh lâm vào tình trạng thất nghiệp suốt hơn 1 năm qua. “Sau khi vợ sinh, tôi phải ở nhà trông con, một mình bà xã lo kinh tế. Khi bé được 10 tháng tuổi, vợ chồng bàn nhau đưa bé đi gửi lớp để tôi tiếp tục xin việc. Tôi đi làm được vài ngày thì bé ốm triền miên. Xót quá, tôi lại nghỉ việc ở nhà trông con. Cũng kể từ đó, bé mắc hết bệnh này tới bệnh khác. Gần chục ngày qua, bé bị tiêu chảy cấp, thuốc uống thế nào cũng không bớt, bú vào lại ói ra”, anh Cảnh tâm sự.

Nhấc bàn tay nhỏ xíu đang gắn ống truyền dịch của con gái đặt sát vào môi mình, chị Thủy xót xa: “Bình thường bé hiếu động lắm. Rất ngoan và hay cười. Có lẽ bé biết bố mẹ vất vả nên không mè nheo như nhiều đứa trẻ khác. Vậy mà những ngày qua, bé cứ lả đi, bám riết lấy mẹ. Em phải xin nghỉ việc không lương để chăm con, đang lo là khi con khỏi bệnh thì còn việc để làm tiếp nữa hay không?”.

 

“Bão” kép

 Lấy trong giỏ xách ra cho chúng tôi xem cuốn sổ bảo hiểm đã bị nước mưa làm nhàu nát, chị Thủy không giấu nổi sự lo lắng đang hiển hiện rõ trên khuôn mặt xanh xao. “Khi được 7 tháng, bé cũng từng bị tiêu chảy cấp nhưng chỉ uống thuốc vài ngày là khỏi. Đây là lần đầu tiên bé phải nhập viện kể từ khi sinh ra tới giờ. Triệu chứng ban đầu là phân lỏng, nhầy và tanh, uống thuốc không đỡ nên bé chuyển qua sốt, ói, chân tay lạnh. Sổ bảo hiểm của bé làm ở quê nên khi nhập viện trái tuyến, họ chỉ trả 30%. Khi em sinh con, tiền bảo hiểm, thai sản, thưởng… cũng để dảnh được gần hai chục triệu. Nhưng bây giờ “đội nón ra đi” hết rồi. Những ngày tới ông xã phải đi vay mượn bà con, bạn bè để chi trả viện phí, phận mình nghèo nên con mình thiệt”, chị Thủy trải lòng.

Kể từ khi chồng chị nghỉ việc ở nhà chăm con, mọi chi tiêu của cả gia đình đều trông chờ vào số tiền lương ít ỏi mà chị kiếm được. Dẫu vậy, với người phụ nữ này, dù khó khăn mấy, nếu “khéo co” thì vẫn có thể “sống ổn”. Vì vậy, mỗi ngày trôi qua, vợ chồng chị đều nỗ lực hết mình để bấu víu vào niềm hy vọng mong manh. “Tiền lương mỗi tháng kể cả tăng ca chưa tới 4 triệu đồng. Tiền nhà hàng tháng 1,6 triệu, tiền sữa cho con, tiền ăn uống hai vợ chồng, rồi tiền hiếu hỉ… ấy vậy mà cũng đủ. Giờ con đau ốm, hai vợ chồng đều nghỉ việc, đi vay mượn là điều không tránh khỏi. Nhưng em vẫn tin rằng, đời con mình sẽ không phải cực như bố mẹ nó. Nghĩ vậy nên khó khăn mấy hai vợ chồng cũng cố tìm cách vượt qua”, chị Thủy lạc quan.

Thấy con gái đang thiu thiu ngủ trong lòng mẹ, anh Cảnh tranh thủ xách chiếc cặp lồng đi xin cơm, chuẩn bị bữa trưa cho cả hai vợ chồng. Nhìn đôi bàn tay thô ráp vụng về bỏ từng muỗng sữa vào chiếc bình rồi cẩn thận đo mực nước sao cho “đúng chuẩn”, chúng tôi biết chắc chắn một điều, ẩn sâu trong dáng vẻ thô kệch ấy là một tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình.

“Người ta nói bé sẽ thông minh và có nhiều sức đề kháng hơn khi được bú sữa ngoài. Vì vậy, dù kinh tế có eo hẹp, mọi khoản chi tiêu có tiết giảm nhưng duy nhất khoản sữa cho con thì không thể thiếu. Chỉ nay mai, khi được xuất viện, bé sẽ lại chơi đùa, lại đáng yêu như ngày nào, và rồi bé sẽ lớn khôn như bao đứa trẻ khác”, anh mơ về tương lai khi con cựa mình, khẽ nở nụ cười trong giấc ngủ.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị tiêu chảy: Dị ứng với thức ăn, không dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, sử dụng kháng sinh kéo dài, song thường gặp nhất là do đường ruột của trẻ bị nhiễm trùng. Tác nhân có thể là virus, vi trùng hoặc ký sinh trùng. Trẻ bị đi ngoài nhiều lần sẽ dẫn đến mất nước, mất muối nên rất dễ bị suy kiệt, vì vậy phụ huynh cần chú ý nhiều đến vấn đề dinh dưỡng cho trẻ. Những ngày trẻ bị tiêu chảy do bệnh, phụ huynh cần cho ăn thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường nhưng vẫn phải đủ các chất dinh dưỡng là đạm, đường, vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, cần cho bé uống nhiều nước để bù lại năng lượng bị mất và nâng cao sức đề kháng.

Khi trẻ bị tiêu chảy do virus, cha mẹ tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh hoặc cho trẻ ăn những loại thực phẩm làm cho trẻ ngừng đi ngoài ngay như: lá ổi, hồng xiêm xanh… Làm vậy bệnh không khỏi mà trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, khiến bệnh nặng hơn. Khi thấy trẻ có dấu hiệu: bỏ ăn, nôn ói, sốt cao, trong phân có máu… thì phải đưa ngay bé đến các cơ sở y tế, bệnh viện để kiểm tra, điều trị sớm.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn