Khi nào hết những cái chết oan từ “bom phế liệu”?

18:17 | 04/01/2018;
Mặc dù là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng hàng loạt cửa hàng, cơ sở kinh doanh phế liệu lại bất chấp những quy định đấy, ngang nhiên tập kết trong các khu dân cư, tạo thành những “quả bom” nổ chậm.

Chưa đầy 2 năm trước, khi vụ nổ quả bom ở cửa hàng kinh doanh phế liệu tại KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội) xảy ra, hình ảnh hai mẹ con nằm ôm nhau tử vong trên đường khiến không ai cầm được nước mắt. Chỉ cách vụ nổ không đầy 20 mét. Hình ảnh chị Đào Thị Soản (32 tuổi) và con gái Đào Thị Quỳnh (8 tuổi) nằm sõng soài giữa đường, cạnh chiếc xe máy và những quả trứng vỡ tan.

Chiều đó, cháu Quỳnh được nghỉ học nên chị Soản chở theo con chạy từ Thanh Oai mang trứng ra Hà Nội giao cho khách hàng. Không ngờ, khi đi qua đoạn KĐT Văn Phú thì bất ngờ xảy ra vụ nổ tại cửa hàng phế liệu. Sức ép của vụ nổ khiến hai mẹ con chị ngã lăn ra đường, tử vong tại chỗ.

no-van-phu.jpg
Hình ảnh nhói lòng từ vụ nổ ở Văn Phú

 Ngoài 2 mẹ con chị Soản, còn có 3 người khác tử vong trong vụ nổ kinh hoàng vào ngày 19/3/2016. Đa phần họ đều không liên quan đến cơ sở thu mua phế liệu, họ chỉ là những vị khách qua đường. Khi tai họa ập xuống, họ đã không còn có cơ hội để trở về nhà.

Sau vụ nổ kinh hoàng này, cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh, rà soát các cơ sở kinh doanh phế liệu nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, tại nhiều khu vực trung tâm, đông dân cư lại thấy những cơ sở thu gom, mua bán phế liệu mọc lên.  

vu-no-quan-do-bac-ninh.jpg
Đầu đạn vương vãi khắp nơi sau vụ nổ ở Bắc Ninh.

 

 Không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát loại hình kinh doanh này vẫn còn bỏ ngỏ. Chính sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương đã góp phần khiến 1 vụ nổ tương tự xảy ra tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong – Bắc Ninh) khiến 10 người thương vong.

Vốn là một làng có nhiều người kinh doanh phế liệu, Quan Độ từ lâu nổi tiếng với nghề này. Thế nhưng, không ngờ chính phế liệu lại mang đến một sự kinh hoàng và mất mát chưa từng có ở Quan Độ. Rạng sáng 3/1/2018, ngôi làng nhỏ bỗng rung chuyển bởi tiếng nổ kinh hoàng. Sau đó là tiếng đất đá, sắt và cả đạn rơi vãi khắp nơi. Các con ngõ nhỏ đến sân vườn bị bao phủ bởi đầu đạn. “Thời chiến tranh, chúng tôi còn chưa thấy nhiều đạn rơi vãi đến vậy”, một cụ già ở Quan Độ bàng hoàng thốt lên.

Vụ nổ khiến 2 cháu bé tử vong tại chỗ, 8 người khác bị thương, 6 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục ngôi nhà khác hư hỏng nặng. Tang thương, sợ hãi bao trùm khắp thôn Quan Độ. Lực lượng công binh phải thức trắng đêm để thu gom hàng tấn đầu đạn rơi vãi khắp nơi.

Chiều 3/1, chủ cơ sở phế liệu phát nổ Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi) đã bị bắt giam để điều tra về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Dẫu biết kinh doanh phế liệu vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, mất an toàn, nhưng ít ai dám nghĩ ông chủ này từng mua về và tàng trữ tới 7 tấn đạn 12 ly 7 và 14 ly 5 trong khu dân cư.

vu-no-2.jpg
Nếu còn buông lỏng quản lý, những nỗi đau như thế này biết bao giờ mới dừng lại?

 Nguyễn Văn Tiến khai, cuối năm 2016, ông ta mua khoảng 7 tấn đạn trên rồi mang về cất giữ tại nhà để biến thành phế liệu. Điều đáng nói, 7 tấn đạn ấy được Tiến mua, vận chuyển về nhà mà không cơ quan chức năng nào biết. 7 tấn đạn mà cứ ngỡ như 7 viên đạn, dễ dàng lọt qua mắt chính quyền địa phương để trở thành thảm họa cho cộng đồng.

Bà Bùi Thị An, nguyên ĐBQH khóa XIII đã phải thốt lên rằng, để xảy ra sự việc đau lòng này, cần phải xem xét trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc quản lý vật liệu nổ còn chứa trong dân, nhất là ở những hộ kinh doanh phế liệu. “Chính quyền quản lý như vậy quá lỏng lẻo, gây bất an, hoang mang cho người dân. Qua vụ việc này cần xem xét, xử lý trách nhiệm một số cá nhân, tổ chức có nhiệm vụ quản lý vật liệu nổ”, bà An nhấn mạnh.

Cưa bom, vận chuyển, mua bán vật liệu nổ rồi biến thành phế liệu… suy cho cùng cũng vì đồng tiền, sự mưu sinh mà bất chấp. Họ vô tình biến hàng hóa của mình thành bom nổ chậm, trở thành mối nguy hiểm cho hàng xóm, khu dân cư. Nhưng, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, chính quyền địa phương ở đâu trước những câu chuyện như vậy? Hay chỉ đến khi xảy ra thảm họa, mới đứng ra chỉ đạo khắc phục, thăm hỏi động viên.

Sự khắc phục, thăm hỏi, rút kinh nghiệm đó, suy cho cùng cũng không thể làm những sinh mạng như chị Soản, cháu Quỳnh, cháu Trang, cháu Nam…sống lại.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn