"Khoe con là thể hiện tình yêu, sao lại phạt"

15:57 | 01/06/2017;
Bắt đầu từ hôm nay 1/6/2017, Luật trẻ em 2016 có hiệu lực. Việc cha mẹ tự ý “khoe” con trên mạng có thể vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên facebook, nhiều phụ huynh vẫn công khai đăng tải giấy khen kèm theo hình ảnh, địa chỉ trường con học...
fb2.jpg
Nhiều phụ huynh nêu quan điểm: Vẫn tiếp tục "khoe" con vì làm gì có lực lượng chức năng nào đủ sức đi theo dõi mạng ảo để phạt ngoài đời thực? 

Nhiều cha mẹ không “tâm phục khẩu phục” với quy định mới mà vẫn cho rằng, khoe con chỉ là thể hiện tình yêu, sự tự hào cha mẹ dành cho con cái. Mà, tình yêu thì không thể… có tội.

Chị Hoàng Hà, có con đang học lớp 6, Q.Bình Thạnh, TPHCM, cho biết: “Tôi thấy luật cấm cha mẹ khoe con trên mạng là không nên. Cha mẹ đã cực khổ nuôi con, nay, con đạt thành tích cao trong học tập thì cha mẹ có quyền được chia sẻ niềm vui, sự tự hào ấy với cộng đồng”.

Sau mỗi năm học, chị Hà lại chụp ảnh bằng khen, giải thưởng của con “up” trên facebook. Chỉ lát sau là bạn bè, người thân ở khắp nơi chúc mừng, động viên, ngưỡng mộ khiến chị rất phấn khởi. Vì thế, dù Luật trẻ em đã có hiệu lực nhưng chị Hà không nghĩ sẽ dừng việc khoe con trên mạng. “Tôi không tin mình sẽ bị xử phạt nếu tiếp tục làm vậy vì làm gì có lực lượng chức năng nào đủ sức đi theo dõi mạng ảo để phạt ngoài đời thực?”.

Sự thật đằng sau tấm giấy khen của con

Tuy nhiên, việc cha mẹ “khoe” thành tích học tập của con trên mạng, không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của các “khổ chủ”.
Vũ, HS trường tiểu học Thanh Xuân Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ: “Khi cháu mang giấy khen “có thành tích tiến bộ vượt bậc về môn tiếng Anh” về nhà, bố mẹ rất phấn khởi và chụp ảnh, tung ngay lên facebook. Bạn bè của bố mẹ đã chúc mừng vì nghĩ cháu “học giỏi vượt bậc”, có năng khiếu ngoại ngữ. Song, thực tế, cháu học kém tiếng Anh nhất lớp và cô viết như vậy chỉ để động viên cháu. Bị bố mẹ đưa lên mạng “khoe” như vậy, cháu rất xấu hổ”.

Cháu Minh, HS 1 trường THCS ở Hà Nội tâm sự: Bố mẹ cứ thấy điểm số của cháu toàn 8, 9, 10… thì khoe ầm lên như thể cháu siêu sao lắm. Nhưng, ở lớp cháu đa phần các bạn khác cũng có điểm như vậy, thậm chí nhiều bạn học còn xuất sắc hơn. Khi đọc được facebook của bố mẹ cháu, các bạn đều cười chê, tưởng cháu bị “ảo tưởng sức mạnh”.

fb1.jpg
Ngay cả khi việc đưa thông tin lên mạng đã được con đồng ý, cha mẹ cũng nên cân nhắc thật kỹ, đăng tải như vậy có nên không, lợi hại thế nào. Tất cả vì sự phát triển an toàn và tốt nhất cho trẻ chứ không phải chỉ vì hành vi “khoe con” có bị phạt hay không. 

Vì lợi ích trẻ chứ không phải bị phạt hay không.

Chuyên gia tư vấn độc lập Vũ Thu Hà cho rằng: Cha mẹ đừng nên nghĩ mình sinh ra con thì có quyền định đoạt cả sự riêng tư của con ngay từ khi con còn rất nhỏ. Đôi khi, việc cha mẹ tự ý làm, tưởng là chỉ để thỏa mãn sở thích của bản thân, nhưng lại gây ra cho con nhiều hệ lụy, phiền toái. Chưa  bàn đến việc cha mẹ sẽ bị xử phạt ra sao, ai xử phạt, xử phạt mức nào… mà riêng việc công bố thông tin cá nhân của con (tên, tuổi, trường lớp, ảnh…) lên mạng xã hội là nguy cơ để kẻ xấu lợi dụng, làm hại con hoặc biến con thành đối tượng để cộng đồng dóm ngó, bình luận không cần thiết.

Thậm chí, ngay cả khi việc đưa thông tin lên mạng đã được con đồng ý, cha mẹ cũng nên cân nhắc thật kỹ, đăng tải như vậy có nên không, lợi hại thế nào. Tất cả vì sự phát triển an toàn và tốt nhất cho trẻ chứ không phải chỉ vì hành vi “khoe con” có bị phạt hay không.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Bộ LĐTB&XH cho biết, Bộ này mới đề nghị các cơ quan sửa lại luật Xử lý vi phạm hành chính, quy định về mức phạt, gỡ bỏ thông tin vi phạm đăng trên mạng… Khi đã hoàn thiện pháp lý thì sẽ tiến hành xử lý người vi phạm về quyền trẻ em.

* Luật trẻ em 2016 gồm 7 chương với 106 điều, trong đó Điều 21 về Quyền bí mật đời sống riêng quy định như sau: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Vì thế, Luật cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Ngoài ra, Luật còn có riêng một mục quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 54).

* Nghị định 56/2017/NĐ-CP mới ban hành ngày 9/5 cũng định nghĩa rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em bao gồm: Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn