Không cần con học đại học để lấy tiếng thơm cho bố mẹ

17:46 | 26/06/2018;
Trong khi các con ở trong phòng thi căng thẳng làm bài thi THPT QG thì các phụ huynh ở bên ngoài cổng trường cũng sốt ruột không kém. Trong các câu chuyện để “giết” thời gian giữa các phụ huynh, có những bà mẹ có cái nhìn khá mới về kỳ thi quan trọng này.

Thấp thỏm đứng chờ con thi THPT QG ở điểm thi trường THCS Đống Đa, chị Nguyễn Hoài Thu (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) không mấy lo lắng. Nói chuyện với các phụ huynh bên cạnh, chị có những quan điểm rất khác. Chị luôn động viên con coi thì kỳ thi này như kỳ kiểm tra năng lực thông thường chứ đừng nghĩ ghê gớm, to tát là kỳ thi này làm thay đổi cuộc đời một con người.

thi-xong.JPG
Nhiều thí sinh mù mờ trong định hướng nghề nghiệp. Ảnh minh họa: T.H
 

 

“12 năm học ở trường, tôi không nghĩ gói gọn trong 1 kỳ thi. Tôi quan niệm, các kiến thức sách vở các con nhận được không quan trọng bằng những kỹ năng, kiến thức ngoài cuộc sống. Thế nên, đỗ cao cũng mừng, còn đỗ thấp cũng không có gì đáng buồn. Điều quan trọng là học ở trường ĐH, các con thu nhận được những gì. Học ở trường ĐH danh tiếng nhưng các con không có kiến thức xã hội, thiếu sự năng động, nhanh nhẹn, sáng tạo thì chưa chắc con đã thành công bằng bạn học ở trường ĐH top dưới nhưng có những tố chất mà xã hội, công việc đang cần”, chị Hoài Thu chia sẻ.

Nói về việc các thí sinh thời nay “mù mờ trong việc định hướng nghề nghiệp”, chị Hoài Thu chê con "tả tơi": Con gái tôi đòi thi vào trường ĐH KHXH&NV, tôi hỏi con: Con biết gì về các chuyên ngành trong trường đó? Vào trường đó, sau này con dự định theo nghề gì? Con trả lời “ráo hoảnh”: Con không biết. Con thấy trường đấy lấy điểm không quá cao, vừa sức với học lực của con thì con vào. 

_dsc9206.JPG
Thí sinh phấn khởi vì sắp hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh minh họa: T.H

 

Theo chị Hoài Thu, cách nghĩ, cách chọn trường của con chị cũng là tình trạng chung trong việc chọn trường của nhiều học sinh lớp 12 hiện nay. Các em đã 18 tuổi nhưng không biết mình thích gì, có khả năng gì nổi trội, phù hợp với nghề nào.

“Với cách tuyển sinh hiện nay, việc đỗ ĐH không khó. Chỉ cần đạt điểm sàn là có nhiều trường ĐH “mời chào”. Thế nhưng, bao nhiêu em tốt nghiệp ĐH tìm được việc làm phù hợp mới là điều đáng nói. Hay học 4, 5 năm ĐH, tốn hết bao nhiêu tiền của bố mẹ, thời gian của bản thân để có tấm bằng ĐH như “đồ trang sức”, các em lại thất nghiệp, đi làm công nhân, lao động chân tay. Tôi nói với con, con không cần vào trường ĐH danh tiếng để “lấy tiếng thơm” cho bố mẹ, con cần chọn ngành nghề gì để sau này con sẽ gắn bó với nó cả cuộc đời, con sẽ yêu thích công việc ấy. Tôi và con cùng phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và cuối cùng con quyết định theo ngành hướng dẫn viên du lịch”, chị Hoài Thu chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn