Không dám ăn rau củ quả sau khi nghe nông dân Việt 'chữa bệnh' cho cây

07:56 | 27/06/2018;
Người nông dân Việt Nam có nhiều thiệt thòi bởi hễ cây trồng có vấn đề gì thì chỉ biết ra ngay cửa hàng bảo vệ thực vật mua thuốc để tự chữa cho cây mà ít khi có sự hỗ trợ của chuyên gia nông nghiệp, trong khi ở các nước khác, họ có dịch vụ "chữa bệnh" cho cây.
Tại hội thảo “Chuỗi giá trị rau củ quả an toàn thực phẩm” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 26/6, Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào toạ huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, chuỗi sản xuất rau củ quả ở Việt Nam với các khâu sản xuất – vận chuyển – chế biến, đóng gói – kinh doanh... khâu hoạt động nào cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
 
thuc-pham.jpg
Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa trình bày tại hội thảo

 

Cụ thể, ở khâu sản xuất (trồng, chăm sóc, thu hoạch), các yếu tố như đất trồng, nguồn nước tưới, giống cây, phân bón, lạm dụng thuốc trừ sâu, mất vệ sinh đồng ruộng đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; có thể khiến rau quả bị nhiễm kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, nấm mốc, ô nhiễm hữu cơ.
 
Hơn nữa, người nông dân Việt Nam luôn tự "chữa bệnh" cho cây. Điều đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Mời các bạn nghe audio Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa kể về cách nông dân Việt Nam "chữa bệnh" cho cây:
Tiếp đến, khâu vận chuyển (từ nơi trồng đến nơi bảo quản chế biến) có nguy cơ bị nhiễm vi sinh vật. Khâu chế biến, đóng gói (chế biến khô, chế biến ướt) có nguy cơ nhiễm nấm mốc, kim loại nặng. Khâu kinh doanh (thu mua, bảo quản, sơ chế, xuất khẩu) có nguy cơ nhiễm nấm mốc, vi sinh vật...
 
Theo Tiến sỹ Nguyễn Viết Khoa, khi ăn phải rau quả bị nhiễm vi khuẩn, người ăn dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp... Nếu rau quả nhiễm kim loại nặng, người ăn dễ bị ngộ độc kim loại nặng. Thậm chí, kim loại nặng tích tụ lâu ngày sẽ gây ung thư và các bệnh về thần kinh, gan, thận.
 
Hiện nay, với những giống cây trồng biến đổi gene như đậu tương, ngô..., vẫn có nhiều quan ngại với những ý kiến cho rằng thực phẩm biến đổi gene có thể gây dị ứng, ức chế miễn dịch, kháng kháng sinh hay ung thư.
thuc-pham-bien-doi-ge-dung-hay-khong-dung-1.jpg
Ngô ngọt biến đổi gene vẫn có nhiều quan ngại không tốt cho sức khỏe
Trong khi đó, rau quả trồng theo tiêu chuẩn GAP (Tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp tốt) tại Việt Nam vẫn chưa lấy được niềm tin của người tiêu dùng bởi nhiều nơi làm ăn vẫn còn "treo đầu dê bán thịt chó".
 
 
Trong nhóm hàng nông nghiệp xuất khẩu, kim ngạch rau quả đứng thứ 2. Mặc dù trái cây Việt Nam thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, khác biệt so với các nước khác trên thế giới xong các thị trường khó tính như Mĩ, Nhật Bản, Úc... đều dựng lên hàng rào kỹ thuật cực kỳ khắt khe; công nghệ đóng gói, bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn lạc hậu; sự kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, làm giảm thế mạnh xuất khẩu.
 
Với tình trang trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trưởng Ban Gia đình Xã hội - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang không ngừng tuyên truyền, vận động, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ và người dân thay đổi hành vi, nhận thức nhằm nuôi, trồng, sản xuất và sử dụng nông sản, thực phẩm an toàn.
 
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào từng khâu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5/2018 ước đạt 303,1 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vải thiều Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và bán tại hệ thống siêu thị California có giá từ 17 - 19 USD/kg, tương đương 370.000 - 410.000 đồng/kg. Còn xoài tươi cát chu của Việt Nam được bán tại hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản) với giá 100.000 VNĐ/quả.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn