Không muốn làm mẹ vì nỗi đau quá khứ đeo bám

09:38 | 23/11/2024;
Anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Vừa nghe tiếng alo của Thanh Tâm, cô gái đã nói một tràng dài không phanh lại nổi. Cô kể, chồng cô từng kiên trì theo đuổi cô một thời gian dài nhưng cô không đồng ý. Chỉ vì cô không muốn sinh con.

Bố mẹ cô ly dị năm cô hơn 1 tuổi. Mẹ cô gửi cô ở nhà với bà ngoại để lên thành phố kiếm việc. Lần nào mẹ về thăm cô cũng vội vàng. Khi cô lớn hơn một chút, mỗi lần mẹ về rồi đi, cô thường xin mẹ xịt cho ít nước hoa vào cái áo cũ của mẹ để ôm lúc ngủ. 

Mùi hương quen thuộc ấy đã vỗ về những đêm dài suốt quãng tuổi thơ của cô. Sau này, cô mới biết mẹ đã có gia đình mới và giấu dượng về sự có mặt của cô. Trong khi đó, bố cô vẫn ở làng làm nghề thợ xây. 

Hầu như tuần nào bố cô cũng đến quấy rầy bà ngoại. Bố đổ lỗi bà chiều mẹ, dung túng mẹ nên mẹ mới làm càn, đòi ly dị bố. Mỗi lần mẹ về, bố lại đến gây sự, có lần còn chửi mẹ, ném cái bay vào người mẹ.

Cô không có cảm tình với đàn ông. Nhiều bạn trai học cùng lớp với cô rất mê gương mặt đẹp, giọng hát hay của cô nhưng không ai nhận được dù chỉ một nụ cười của cô. Cho đến khi cô học đại học rồi đi làm. 

Năm vừa rồi, bà ngoại cô mất, mẹ đồng ý cho cô bán nhà để mua một căn hộ khác. Từ đó, cuộc sống một mình của cô rất dễ chịu, không phải chịu bất kỳ áp lực kinh tế nào. Cô đã nghĩ mình sẽ sống độc thân suốt đời. 

Vậy mà anh đã đến phá "lớp băng giá" quanh cô. Và cô đã hoàn toàn đổ gục vì anh đồng ý chỉ cần hai vợ chồng là đủ. Nhưng mới cưới hơn 2 tháng thì cô đã dính bầu. Cô thực sự không muốn sinh con vì những ám ảnh trong quá khứ…

Thanh Tâm rất chia sẻ với những tổn thương sâu sắc từ tuổi thơ, đặc biệt là những trải nghiệm thiếu an toàn về mặt tình cảm với cả bố lẫn mẹ của cô. Cô lớn lên trong sự thiếu hụt tình yêu thương của cha mẹ và cảm giác bị bỏ rơi. 

Những ký ức buồn như việc bị mẹ giấu đi sự tồn tại hay chứng kiến cảnh bố mẹ xung đột đã khiến cô hình thành một niềm tin rằng mối quan hệ vợ chồng dễ dẫn đến đau khổ. Cô đã tự dựng lên một "lá chắn" để bảo vệ mình: tránh xa những mối quan hệ lãng mạn và từ chối việc làm mẹ. 

Việc cô cảm thấy căng thẳng khi mang thai là một phản ứng tự nhiên từ những nỗi lo sợ sâu thẳm trong cô. Nhưng việc chấp nhận người chồng hiện tại cho thấy cô đã mở lòng, dẫu chưa hoàn toàn thoát khỏi những nỗi ám ảnh quá khứ. 

Thanh Tâm mong cô đối diện với nỗi sợ, tìm sự bình an nội tâm và ra quyết định phù hợp với mong muốn thực sự của mình.

Cô cần tự hỏi "Tại sao mình lại sợ làm mẹ?", vì cảm thấy mình không đủ tốt, sợ lặp lại sai lầm của bố mẹ, hay lo con sẽ phải chịu cảnh khổ như cô đã từng trải? Nhận diện những nỗi sợ này là bước đầu tiên để vượt qua chúng. Quá khứ không thể thay đổi nhưng hiện tại và tương lai có thể khác đi, đừng để nỗi sợ kiểm soát mình.

Cô hãy chia sẻ với chồng về nỗi lo của mình, cả những trải nghiệm đau lòng trong quá khứ và lý do cô sợ làm mẹ. Cô cũng cần biết chồng cô nghĩ gì về việc làm cha. Anh có thật sự không muốn có con hay chỉ vì muốn làm cô vui mà nói vậy? Sự thành thật giữa hai người là nền tảng quan trọng để đi tiếp.

Bây giờ, cô cần thời gian để suy nghĩ về việc mình thực sự muốn gì. Nếu quyết định giữ con, hãy nhớ rằng việc trở thành mẹ không đồng nghĩa với việc lặp lại sai lầm của cha mẹ cô. Cô có thể học từ quá khứ để xây dựng một gia đình tốt hơn. Nếu không muốn sinh con, cô cần nói chuyện thẳng thắn với chồng và chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn có thể xảy ra trong hôn nhân.

Thanh Tâm khuyên cô hãy dành thời gian, không gian và sự hỗ trợ để hiểu rõ mình thật sự muốn gì và để vượt qua những nỗi đau quá khứ. Dù cô chọn giữ cai thai hay không, điều quan trọng là quyết định đó xuất phát từ sự hiểu biết và yêu thương chính bản thân mình, chứ không phải do áp lực từ bất kỳ ai hay điều gì. Một cuộc sống hạnh phúc bắt đầu từ việc cô cảm thấy bình an với chính mình.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn