Đau nhức xương khớp là một vấn đề sức khỏe thường gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên theo thống kê thì tỷ lệ người trẻ gặp phải các vấn đề xương khớp do tư thế ngồi làm việc không đúng, vặn xoắn người quá mạnh,.. cũng đang có dấu hiệu tăng lên.
Thông thường nhiều người sẽ nghĩ ngay tới việc dùng thuốc giảm đau để giảm nhẹ các cơn đau xương khớp, tuy nhiên lạm dụng thuốc điều trị có thể dẫn tới nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe.
TS.BS Nguyễn Hoàng Long (Phó trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức) cho biết: "Trong điều trị các bệnh lý xương khớp hay bệnh liên quan tới cột sống thì có rất nhiều phương pháp điều trị. Có thể kể tới các phương án cơ bản bao gồm:
- Thứ nhất, điều trị bằng thuốc
- Thứ hai, sử dụng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
- Thứ ba, các can thiệp ít xâm lấn vào cơ thể như tiêm phong bế, sóng cao tần
- Cuối cùng là phẫu thuật".
Tuy nhiên TS.BS Long cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Đây chỉ là những phương án với mục đích điều trị. Người bệnh cần kết hợp với những biện pháp DUY TRÌ khác để cột sống, xương khớp được cải thiện hơn. Chẳng hạn như thay đổi các thói quen xấu, không tốt trong sinh hoạt và làm việc. Đồng thời cần có chế độ ăn bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho xương khớp/cột sống kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý".
Cụ thể là như thế nào?
Những thói quen xấu trong sinh hoạt và làm việc ảnh hưởng tới cột sống, xương khớp có thể kể đến như:
- Ngồi lâu, ít vận động
- Mang vác vật nặng không đúng tư thế
Đọc thêm: Bẻ khớp tay nghe thì vui tai nhưng có hại vô cùng!
- Ngồi làm việc không đúng tư thế khiến cột sống, đĩa đệm phải chịu áp lực về lâu dài sẽ gây ra các tổn hại
- Đi giày cao gót thường xuyên khiến cơ cột sống thắt lưng - bắp chân- gân gót bị kéo giãn quá mức
- Bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ, các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp nên rất có hại cho khớp
- Ngồi vắt chéo chân, ngồi xổm.
Với người muốn phòng tránh các bệnh xương khớp hay những người đang có các vấn đề xương khớp nên có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, tăng cường bổ sung các dưỡng chất tốt cho xương khớp.
TS.BS Long cho biết: "Nên bổ sung vitamin D, vitamin nhóm B, canxi, magie, vitamin C (tăng cường hình thành chất xương) có nhiều trong các loại rau màu xanh đậm, các loại quả có múi, các loại hạt,...".
Với các thực phẩm chức năng chỉ uống khi có chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng quá đà dẫn tới nhiều tác dụng phụ không mong muốn khác.
Glucosamin là một chất tự nhiên được tìm thấy trong các sụn khớp khỏe mạnh của cơ thể. Ở dạng dược phẩm, glucosamin được dùng để trị viêm khớp gối mạn, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp nhẹ và trung bình.
Tuy nhiên, BS Long khuyên rằng, "Có thể uống từ 4 - 6 tháng sau đó dừng (nghỉ) 1 tháng rồi mới tiếp tục sử dụng".
Một điều cần lưu ý, glucosamin là thuốc giúp hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây thoái hoá, gây đau khớp chứ không phải là thuốc giảm đau nên không thể có tác dụng tức thời, cần phải dùng trong thời gian nhất định.
Với người đang mắc các bệnh xương khớp thì việc vận động, nghỉ ngơi hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phục hồi hiệu quả. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng. Bạn có thể tham khảo thêm trong: 10 bài tập tốt cho xương khớp nên áp dụng hàng ngày, giúp phòng tránh thoát vị đĩa đệm, đau lưng.
Với người muốn phòng tránh các bệnh lý về xương khớp, cột sống nên duy trì thói quen tập luyện thể dục hàng ngày sẽ giúp cho các cơ khớp được linh hoạt hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn